Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Công Thương tổ chức hơn 20 hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức thương mại, với sự tham gia của hơn 2000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh.
Sở phối hợp với các đơn vị tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt vào tháng 9/2024, đã tổ chức thành công chuỗi sự kiện gồm: Hội nghị liên kết vùng trong thương mại điện tử tỉnh Gia Lai với hơn 250 đại biểu từ 28 tỉnh thành trong cả nước tham dự; Hội nghị kết nối cung cầu; Lễ ra mắt Tuyến phố không dùng tiền mặt và tổ chức phiên livestream nông sản Gia Lai thu hút đông đảo các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã tham gia với hơn 800 đơn hàng bán ra, 149 nghìn lượt xem trong 4 giờ. Tổ chức các phiên chợ biên giới, phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi: Phiên chợ biên giới tại Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh với quy mô 60 gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của Gia Lai và sản phẩm huyện Oyadav - tỉnh Ratanakiri (Campuchia); Phiên chợ giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng và sinh vật cảnh kết hợp đưa hàng Việt về miền núi; Chương trình đưa hàng Việt về miền núi kết hợp với Ngày hội du lịch…
Tổ chức các Hội chợ triển lãm thương mại; Tổ chức đoàn giao dịch xúc tiến thương mại ra nước ngoài nhằm giới thiệu, tìm kiếm đối tác, xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh Gia Lai tại Trung Quốc; Singapore; Lào…
|
Để đảm bảo nguồn hàng xuất khẩu, đòi hỏi doanh nghiệp cần chủ động nâng cao cả chất lượng sản phẩm. |
Đến nay, hoạt động xuất khẩu của tỉnh liên tục tăng trưởng về quy mô, sản phẩm xuất khẩu ngày càng được nâng cao cả về chất và lượng. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 580 triệu USD, năm 2021 đạt 630 triệu USD, 2022 đạt 660 triệu USD, năm 2023 đạt 680 triệu USD, năm 2024 ước đạt 750 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực là hàng nông sản như: cà phê, cao su, sắn lát, tiêu, sản phẩm gỗ..., đã có mặt trên thị trường 40 quốc gia. Một số ngành hàng đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng đối với thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như: Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản... điển hình là cà phê với kim ngạch xuất khẩu trung bình 300 triệu USD/năm.
Hiện Gia Lai có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, trong đó có 01 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu Âu (chiếm 50-60% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh) tiêu thụ phần lớn mặt hàng cà phê nhân xô, sản phẩm gỗ... Thị trường châu Á chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu với các quốc gia: Trung quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia... tiêu thụ chủ yếu cao su, sắn lát, cà phê, sản phẩm gỗ.
Ngoài ra, Gia Lai đã có hơn 310 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) mang đặc trưng vùng miền tiêu biểu của tỉnh, chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn thương mại, có khả năng xuất khẩu như: Cà phê, hồ tiêu, mật ong, hạt mắc ca, hạt điều, tổ yến, chè xanh...
Mặc dù thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại, xuất khẩu ngành nông sản trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song vẫn còn đó những khó khăn, thách thức. Cụ thể, công tác xúc tiến thương mại của tỉnh hiện nay thiếu sự đồng bộ, sự phối hợp giữa các tổ chức xúc tiến thương mại còn nhiều hạn chế, rời rạc chưa đạt hiệu quả cao. Mỗi tổ chức xúc tiến thương mại tiến hành một chương trình xúc tiến thương mại của riêng mình mà không có kế hoạch phối hợp, gắn kết các tổ chức khác trong tỉnh để thực hiện một chương trình xúc tiến thương mại hoàn chỉnh, đa dạng và có quy mô lớn.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động Xúc tiến thương mại tại địa phương, Sở Công thương tỉnh Gia Lai khắc phục những khó khăn còn tồn tại, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các Quyết định của Thủ tướng chính phủ về Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030”; Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025” và Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại” trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Bên cạnh đó, triển khai đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại một cách hiệu quả, phù hợp với từng ngành hàng, thị trường, đối tượng hỗ trợ. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại trong các hoạt động phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tổ chức các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức các đoàn giao dịch thương mại tại thị trường nước ngoài; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xúc tiến thương mại thông qua việc triển khai có hiệu quả các nền tảng công nghệ thông tin áp dụng vào hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đáp ứng được yêu cầu của hoạt động xúc tiến thương mại trong tình hình mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực hiện các hình thức xúc tiến thương mại mới thông qua môi trường mạng, chuyển đổi số, tham gia hiệu quả hệ sinh thái xúc tiến thương mại số…