Nền kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực

Thứ năm, 04/06/2015 15:36
(ĐCSVN) - Với tăng trưởng kinh tế quí I đạt mức 6,03%, đã tạo đà để kinh tế 5 tháng đầu năm tiếp tục có bước chuyển biến, đạt nhiều kết quả tích cực ở nhiều lĩnh vực. Đây là một dấu hiệu quan trọng để có thể kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2015 đạt khoảng 6,2%.

Một số kết quả tích cực

Điểm nổi bật của kinh tế 5 tháng đầu năm đó là tình hình sản xuất, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục gia tăng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 5 tháng đầu năm nay, cả nước có 36.055 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 219,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,5% về số doanh nghiệp và tăng 26,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2014. Bên cạnh đó, có 8610 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 261,3 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 6,1 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm nay là 7404 doanh nghiệp, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2014.

 
 Ảnh minh hoạ (Nguồn: haiduong.gov.vn)

Điều này phần nào đã thể hiện tín hiệu tốt của nền kinh tế, tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Nhờ tình hình sản xuất, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, nên sản xuất công nghiệp có mức tăng đột biến. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 5 ước tính tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, đã làm cho chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng của cùng kỳ hai năm gần đây. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp, có thể đây là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chính trong năm 2015, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như sản xuất xe có động cơ, sản phẩm điện tử, máy tính, dệt may và da giày.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài cũng có nét khởi sắc. Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến thời điểm 20/5/2015 thu hút 592 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 2956,8 triệu USD, tăng 18,4% về số dự án so với cùng kỳ năm 2014. Đồng thời, có 210 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước được cấp vốn bổ sung với 1,3408 tỷ USD. Như vậy tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 4297,6 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm ước tính đạt 4,950 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2014.

Như vậy, Việt Nam tiếp tục là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đã góp phần quan trọng làm cho sản lượng sản xuất tiếp tục tăng với tốc độ bền vững, tạo thêm nhiều việc làm. Khu vực FDI tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 63,2 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 44,4 tỷ USD, tăng 12,2%...

Một số khó khăn cần sớm tháo gỡ

Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể gây áp lực lên lạm phát năm 2015, như giá điện tăng 7,5%, lên 1.622 đồng/kWh, có hiệu lực từ ngày 16/3/2015. Đây được coi là một phần của quá trình đi theo thị trường nhằm tạo điều kiện phát triển bền vững hơn ngành điện, thu hút các nguồn đầu tư và giảm bớt các méo mó trong thị trường điện năng. Giá dầu thế giới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, khiến cho giá xăng trong nước khó có thể giảm sâu hơn, mà lại đang có xu hướng tăng.

Xuất khẩu năm 2015 dự báo sẽ còn khó khăn, nhất là nhóm hàng nông sản. Tuy kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 5 tháng ước tính đạt 63,2 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2014, nhưng một số mặt hàng nông sản chủ lực lại giảm cả về lượng và kim ngạch. Chẳng hạn, cà phê giảm 39,6% về lượng và giảm 38,2% về kim ngạch; gạo giảm 7,4% và giảm 10,7%,… Đây có thể là một trong nhưng nguyên nhân làm cho nhập siêu gia tăng. Tính chung 5 tháng đầu năm, nhập siêu ước tính 3 tỷ USD, tương đương 4,7% kim ngạch xuất khẩu.

Lòng tin của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn ở mức thấp, do môi trường kinh doanh vẫn bị đánh giá thấp hơn về mức độ thuận lợi, từ 72 bậc lên 78 bậc theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới. Xu hướng chuyển nhượng thương hiệu của một số doanh nghiệp hoạt động tốt cho bên ngoài cho thấy tư nhân lớn ở Việt Nam vẫn chưa yên tâm đầu tư lâu dài trong kinh doanh. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn nhiều hơn số doanh nghiệp mới thành lập…

Nhìn chung, nền kinh tế đã có những tín hiệu tích cực, giúp cho nền kinh tế có sự tăng trưởng mới. Tổng cầu của nền kinh tế đang dần được phục hồi; lạm phát đang ở mức thấp tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng một số cơ chế, chính sách cụ thể nhằm đưa nền kinh tế tăng trưởng theo hướng thị trường đầy đủ hơn. Tuy nhiên, kinh tế vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn cả trước mắt và lâu dài. Điều đáng lưu ý là những khó khăn của nền kinh tế trong các năm trước vẫn chưa được xử lý cơ bản như: nợ xấu, nợ công; tái cấu trúc các ngành kinh tế mà trọng tâm là các ngành ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, cần thực hiện có hiệu quả nhóm giải pháp như: ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế; nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường…

Nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô

Trước mắt, cần tập trung theo dõi sát sao diễn biến của giá USD trên thị trường quốc tế. Có chính sách điều hành linh hoạt hơn nữa để tránh rủi ro. Kết hợp chặt chẽ điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, tránh chồng chéo. Cần tập trung vào phát triển nông nghiệp nhằm đưa giá trị sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng. Muốn vậy, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn cần phải được nghiên cứu và thực hiện tốt hơn, đặc biệt tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như lúa gạo, nông sản, thủy sản xuất khẩu. Cần phát triển thị trường trong nước, từ thu mua, chế biến cho đến tiêu thụ. Cần xây dựng hệ thống thương mại trong nước kể cả bán buôn, bán lẻ, không để tư thương, công ty nước ngoài thao túng như hiện nay.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đẩy mạnh tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Ở đây không chỉ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian nộp thuế mà vấn đề xử lý cắt bớt giấy phép con, cháu. Sửa đổi, bổ sung các cơ chế giúp các doanh nghiệp tiếp cận các hiệp định thương mại đã ký kết, sắp ký kết…

Về lâu dài, tiếp tục đổi mới thể chế quản lý kinh tế. Nhà nước cần tập trung xây dựng các chính sách quản lý. Cần đổi mới nội dung, cách thức, phương pháp, các công cụ của Nhà nước như kế hoạch, quy hoạch, thuế… Đối với công tác kế hoạch, quy hoạch cần phải thay đổi nội dung, phương pháp. Nội dung quy hoạch, quy hoạch cũng phải tính đến cả cơ chế thị trường. Kế hoạch phải mang tính dự báo nhiều hơn. Đổi mới phương thức hạch toán kinh tế hạch toán theo chuẩn quốc tế đối với việc hạch toán nợ công; hạch toán trong các doanh nghiệp…

Vấn đề mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam cần phải được chú trọng hơn. Mô hình đó cần phù hợp với cơ chế thị trường đầy đủ, mô hình phải tính đến hiệu quả kinh tế, tính đến chiến lược phát triển lâu dài của kinh tế Việt Nam nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực