Kiên quyết nói không với chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi

Thứ ba, 05/04/2016 16:40
(ĐCSVN) – Thông tin này được khẳng định tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp “Giải pháp quản lý chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm ở các tỉnh phía Bắc” diễn ra ngày 5/4 tại Hà Nội.


Ban chủ trì và cố vấn tại Diễn đàn (Ảnh: HNV)

Diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) phối hợp với một số Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức.

Chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận

Tại Diễn đàn này, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ năm 2015 đến tháng 2/2016 các địa phương và Cục Chăn nuôi đã tiến hành kiểm tra 1.893 cơ sở, có 58 cơ sở có vi phạm chất cấm. Trong đó có 17/1.239 mẫu  thức ăn chăn nuôi vi phạm chất cấm, 257/3.972 mẫu nước tiểu lợn vi phạm chất cấm, 12/451 mẫu thịt, phủ tạng vi phạm chất cấm.

PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo – Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho biết: “Gần đây, vấn đề sử dụng chất tạo nạc, chất tạo màu trong chăn nuôi đã gây hoang mang trong dự luận người tiêu dùng. Các chất thuộc họ B-agonist (Salbutamol, Ractopamine, Metoprolol…) được thêm vào thức ăn chăn nuôi để làm tăng tỉ lệ nạc/mỡ, chất màu làm thịt vàng tươi. Những chất này khi đi vào cơ thể động vật sẽ dễ dàng lưu lại  trong thịt. Khi con người ăn phải thịt có chứa các chất này sẽ gây hại lớn tới sức khỏe người tiêu dùng, gây ra ngộ độc cấp tính và mãn tính với các triệu chứng rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, phù nề, liệt cơ, nguy cơ sảy thai… Còn đối với gia súc khi ăn các chất cấm này sẽ chết sau 15 ngày, do đó các hộ nuôi thường sử dụng các chất cấm trên khi gia súc gần đến ngày xuất chuồng”.

Điều tra của Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương 1 được thực hiện tại 16 tỉnh thành phố phía Bắc trong năm 2015 cho thấy tình hình sử dụng kháng sinh và chất cấm trong chăn nuôi chưa được quản lý chặt chẽ. Kết quả phân tích dư lượng kháng sinh và chất cấm trong thịt, nước tiểu chỉ ra rằng vẫn còn sử dụng bất hợp pháp B-agonist, Cloram phenicol trong sản xuất thịt. Quản lý thuốc thú y là không tốt, người chăn nuôi tự lựa chọn loại thuốc, tự quyết định liều lượng, tự phối trộn.

Triệt phá nhiều cơ sở buôn bán chất cấm

Ngay trong những tháng đầu năm 2016, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công An (C49) tổ chức thanh tra đột xuất, phát hiện triệt phá một số cơ sở lưu thông, buôn bán chất cấm trong chăn nuôi. Qua thanh tra đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 11 Công ty. Cục C49 đã tiến hành cử trinh sát thường xuyên bám sát địa bàn, lấy mẫu khảo sát bí mật trên thị trường đối với các Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi. Kết quả trinh sát đã phát hiện nhiều vi phạm ở nhiều tỉnh/thành phố như PC49 tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra, bắt giữ 6 tấn thức ăn chăn nuôi của Công ty Thiên Nam (ở tỉnh Bắc Ninh) được gia công tại Công ty TNHH Hải Thăng có chứa Salbutamol cao hơn ngưỡng cho phép là 63 lần. PC49 và Thanh tra Sở NN&PTNT Điện Biên đã kiểm tra một cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TACN) phát hiện 30 gói bột màu trắng loại 1kg, qua kiểm định phát hiện Salbutamol có hàm lượng cao…

Cục Thú y cũng đã chỉ đạo các Chi cục địa phương lấy 1.457 mẫu nước tiểu và 385 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ, kết quả phát hiện 3 mẫu thịt (chiếm 0,77%), 157 mẫu nước tiểu (chiếm 10,7%) dương tính với Salbutamol.

Từ năm 2015 đến nay, việc thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh về việc sử dụng chất cấm đã được triển khai quyết liệt và có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, theo ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản: “Vẫn còn có những tồn tại hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Việc kiểm tra, lấy mẫu và xử lý vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi mới chỉ diễn ra ở 35 tỉnh, thành phố, việc phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm tại các địa phương còn rất hạn chế. Sự phối hợp giữa ngành nông nghiệp và y tế, công thương chưa nhiều, các ngành vẫn hoạt động độc lập, chưa chủ động đề xuất các hình thức phối hợp chặt chẽ hơn”.


TS. Phan Huy Thông, Giám đốc TTKNQG phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: HNV)

Trong khi đó, theo TS. Phan Huy Thông, Giám đốc TTKNQG: “Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các hộ chăn nuôi cũng như người tiêu dùng, đồng thời huy động cả cộng đồng chung sức với ngành nông nghiệp trong cuộc chiến chống lại chất cấm, kháng sinh vì các sản phẩm chăn nuôi nói riêng và nông sản nói chung, hướng tới các sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vì sức khỏe của con người”.

Đồng quan điểm này, TS Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT khẳng định: Dưới góc độ cơ quan quản lý, chúng tôi cho rằng, công tác tuyên truyền hiện nay đang đặt ra hàng đầu quan trọng, có tính quyết định rất cao để tất cả mọi người nhận thức rõ việc sử dụng quá nhiều kháng sinh trong chăn nuôi là ảnh hưởng tới sức khỏe, vi phạm nguyên tắc quy định của nhà nước, từ đó, yêu cầu phải sử dụng đúng quy định đồng thời nâng cao trách nhiệm cơ quan chức năng trung ương xuống địa phương tăng cường quản lý việc này.

Quyết tâm chống chất cấm 

Trong khi đó, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết: Trong tháng 7-9/2015, các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập nhiều tới vấn đề chất cấm, trong đó chủ yếu là chất Sabutamol và chất vàng ô – chất tạo màu dùng trong sản xuất TACN cho gia cầm. Trước đó, Bộ NNPTNT đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, tuy nhiên do chưa thực sự quyết liệt nên còn nhiều tồn tại. Trước tình hình đó Bộ trưởng Cao Đức Phát đã cam kết tiếp tục xử lý mạnh tay để dẹp bỏ tình trạng kinh doanh buôn bán sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Thanh tra Bộ kết hợp C49 cùng địa phương đã làm rất quyết liệt.

Đến thời điểm này sau hơn 5 tháng triển khai, hầu hết các cơ sở sản xuất TACN không sử dụng chất cấm nữa. Theo báo cáo của Cục Thú y, trong tháng 1, lấy 1.000 mẫu trong đó có 98 mẫu nhiễm chất Sabutamol, sang tháng 3, lấy 576 mẫu thì duy nhất có 3 mẫu bị nhiễm, chiếm 0,46%. Như vậy số vụ vi phạm đã giảm đi rất nhiều.

Cũng theo ông Việt, ngày 7/4 tới đây, Bộ sẽ cử đoàn thanh tra tới các tỉnh phía Bắc và phía Nam tiếp tục thanh, kiểm tra. Các tỉnh nếu phát hiện các sản phẩm lợn có chất cấm là phải tiêu hủy. Sắp tới, các trang trại nếu sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, địa phương sẽ tiêu hủy hay gia súc gia cầm của trang trại đó mà không cần đợi đến lúc tái phạm nữa. Đến 1/7/2016, tất cả các đối tượng sử dụng chất cấm sẽ bị xử phạt tiền rất nặng, thấp nhất từ 50-200 triệu, nặng nhất là đi tù 20 năm.

”Trong năm 2016, chúng tôi quyết tâm chấm dứt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và sẽ có lộ trình kiểm tra liên tục hàng tháng một. Đối với các đối tượng trang trại và lò mổ, có 2 biện pháp kiểm soát đó là, chống và xây. Đối với biện pháp chống, hiện nay chúng ta đang làm quyết liệt một mặt đưa ra các chế tài mạnh hơn, mặt khác tổ chức các đoàn thanh kiểm tra liên tục đi kiểm tra các nhà máy, lò mổ trang trại, lấy mẫu đưa đi phân tích và xử lý; thứ hai, cần tăng cường tuyên truyền phổ biến tới người dân, người nuôi. Ngoài ra các biện pháp kết nối và sản xuất theo chuỗi cũng cần phải tiến hành mạnh mẽ để giúp các hộ nuôi kết nối với các cơ sở chế biến để đưa sản phẩm sạch tới người tiêu dùng” – ông Việt nói./.

Việt Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực