"Thiếu" giáo sư, tiến sĩ (?!)

Thứ sáu, 28/09/2018 11:28
(ĐCSVN) – Thời gian qua, câu chuyện về nguồn nhân lực chất lượng cao được bàn thảo nhiều trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, với phát ngôn của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh Sử Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể về giáo sư, tiến sĩ thì rất đáng phải suy ngẫm.

                  Ảnh minh họa. (Nguồn:dantri.com.vn)

“Loay hoay” đi tìm người tài

Sáng 24/9, tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, ông Sử Ngọc Anh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh than rằng: “Đội ngũ làm quy hoạch của TP. Hồ Chí Minh không nhiều. Vừa qua, chúng tôi làm 2 - 3 quy hoạch nhưng đều thất bại. Đội ngũ giáo sư, tiến sĩ làm về quy hoạch rất ít. Nếu địa phương phải làm quy hoạch của tỉnh phù hợp quy hoạch quốc gia, vùng thì lấy đâu nhân sự để làm”. Đúng là buồn thật! Ba lần làm quy hoạch mà thất bại thì ai mà không buồn và buồn nhất là khi mà TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, có chính sách thu hút người tài từ rất sớm, là thành phố năng động nhất Việt Nam mà “rất ít” giáo sư, tiến sĩ làm về quy hoạch...

Câu hỏi mà dư luận đặt ra là: Có thiếu giáo sư, tiến sĩ làm về quy hoạch thật không? Có đúng quy hoạch “thất bại” là do thiếu giáo sư, tiến sĩ? Nếu thiếu giáo sư, tiến sĩ làm quy hoạch thì bao năm nay, những quy hoạch treo gây lãng phí lớn về tài nguyên và làm cho nhiều gia đình điêu đứng cũng đã tìm ra được một nguyên nhân... Có thể nhiều người nghĩ rằng, TP. Hồ Chí Minh đâu có thiếu người tài, thiếu giáo sư, tiến sĩ làm quy hoạch và họ cho là lạ(!?).

Cũng nói về giáo sư, tiến sĩ, ngày 6/9, tại cuộc họp về phương án sửa chữa cầu Thăng Long, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã rất buồn chia sẻ: Nếu không sửa được cầu Thăng Long thì cả ngành giao thông mắc cỡ với dân. Chúng ta có bao nhiêu giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư ở các viện, đơn vị mà mặt cầu Thăng Long sửa chữa không xong...

Tâm tư của 2 vị lãnh đạo, một là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và một là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho chúng ta thấy, có phải chúng ta thiếu giáo sư, tiến sĩ hay không? Hay giáo sư, tiến sĩ chưa phát huy hết khả năng sáng tạo của mình cho quốc gia, dân tộc? Và hiện nay họ đang ở đâu, đang làm gì? Phải chăng những việc như vậy chỉ có giáo sư, tiến sĩ mới làm được? Hay chúng ta chưa thu hút được người tài?… Rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho việc sắp xếp nguồn nhân lực chất lượng cao này.

Phải chăng, để có lời giải cho nguồn nhân lực nhằm đáp ứng công cuộc phát triển Thủ đô Hà Nội thì mới từng có việc, Hà Nội công bố “chiến lược cán bộ công chức” với mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu 100% cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ. 

Sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh xứng đáng đối với nhà khoa học

Theo thống kê của ngành Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2017, cả nước có khoảng 24.500 tiến sĩ, trong đó có hơn 16.500 tiến sĩ đang làm việc trong các trường đại học và cao đẳng. Số giáo sư làm việc trong các trường đại học là 574 người, số phó giáo sư là 4.113 người.

Tại lễ trao danh hiệu chức danh giáo sư, phó giáo sư tại trường Đại học Thủy lợi ngày 11/5/2017, Giáo sư Trần Văn Nhung – Tổng thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước cho biết, cả nước hiện đang có khoảng 1.600 giáo sư, 10.000 phó giáo sư (có tính cả những vị đã mất hoặc về hưu). Số lượng giáo sư và phó giáo sư còn nghiên cứu, chính vì thế chỉ chiếm khoảng 1/5. Trong số 1.600 giáo sư chỉ có khoảng 200-300 giáo sư còn đang làm việc, còn nghiên cứu. Đáng chú ý, cũng theo như lời Giáo sư Trần Văn Nhung, tính bình quân trên 1 vạn dân, thì số giáo sư ở ta cũng chỉ bằng 1/8 so với Trung Quốc và bằng 1/3 so với nước Đức…

Với những con số thống kê trên, nếu nói rằng chúng ta đang “quá tải” hay “lạm phát” giáo sư, tiến sĩ thì cũng không hẳn, nhất là khi chỉ có vài trăm giáo sư là đang có cống hiến cho sự nghiệp khoa học, giáo dục. Điều đáng chú ý là ngoài số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đang giảng dạy và nghiên cứu thì số còn lại đang ở đâu và làm gì?

Do đó, có lẽ cần xem lại vấn đề đào tạo và sử dụng tiến sĩ và mục đích của việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư? Ý nghĩa của chức danh giáo sư, phó giáo sư và học vị tiến sĩ đối với đất nước, đối với xã hội ra sao? Gắn với sử dụng như thế nào cho phù hợp và hiệu quả?. Nhất là trong tình hình hiện nay, chúng ta xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.

Với phương hướng, nhiệm vụ ấy, Chính phủ rất cần sự đóng góp của “giới tinh hoa”, đó là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Để huy động được sức mạnh đó, Chính phủ cần phải có chính sách đào tạo gắn với sử dụng lực lượng trí thức này một cách chặt chẽ theo hướng nâng cao chất lượng, đúng địa chỉ, đúng ngành nghề. Có quy chế đánh giá và xét tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư một cách chặt chẽ, nghiêm túc, công bằng, công khai minh bạch và thực chất. Tránh việc đào tạo tiến sĩ và xét công nhận giáo sư, phó giáo sư không thực chất, hình thức, háo danh ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của những nhà khoa học chân chính; đồng thời, có chính sách sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh người tài xứng đáng trong tình hình hiện nay./.

Nguyễn Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực