Vô cảm: Thật đáng sợ!

Thứ sáu, 28/06/2019 17:48
(ĐCSVN) - Tình người được nuôi dưỡng từ rất sớm trong mỗi con người, được dạy ở trường lớp, trong mọi cấp học. Vậy mà biểu hiện về sự vô cảm lại hiện hữu ngày càng nhiều hơn... Thật là đáng sợ!

Hình ảnh cắt từ video ghi lại vụ tai nạn (Nguồn: thanhnien.vn).

Trong xã hội ngày nay có nhiều thứ thật đáng sợ, đôi khi không thể tin vào những gì mình nhìn thấy.

Không thể phẫn nộ hơn khi xem video clip ghi lại vụ tai nạn giao thông xảy ra vào rạng sáng ngày 25/6 tại giao lộ Tân Hương - Võ Công Tồn, P.Tân Quý, Q.Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh). Người gặp nạn nằm bất động trên vỉa hè nhưng hàng chục người đi qua, thậm chí dừng lại mà không ai giúp đỡ, cô gái trẻ đã tử vong sau đó. Quá bức xúc về sự vô cảm của những người có mặt, càng phẫn nộ hơn về sự lạnh lùng đáng sợ của anh tài xế đã bỏ mặc nạn nhân trong khi anh ta lại là người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn thương tâm này.

Tình người sao lại có thể rẻ rúng đến thế? Những biểu hiện về sự vô cảm trong xã hội ngày nay rất đáng phải suy nghĩ. Chúng ta chứng kiến không ít cảnh mọi người xúm lại mỗi khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông trên đường. Hàng chục người vây quanh vụ tai nạn mà chỉ đứng chỉ trỏ, bàn tán, thậm chí là quay video lại mà không hề gọi xe cứu thương, cơ quan chức năng hay sơ cứu nạn nhân.

Phải chăng, với tâm lý từ vô can dẫn đến vô cảm mà người ta mặc kệ người gặp nạn, thậm chí sợ trách nhiệm, ngại bị liên lụy, bị vạ lây nên mọi người đã bỏ mặc sự cầu cứu giúp đỡ, bỏ qua sinh mạng của con người (?!)

Cho dù bất kì lý do nào đi chăng nữa cũng không thể ngụy biện cho sự vô cảm, càng không thể so sánh với tình người, lớn hơn cả, đó là sinh mạng con người. Là người Việt Nam, phần lớn chúng ta không xa lạ với những lời răn dạy của ông cha về tình người: “Thương người như thể thương thân”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”… Văn hóa tình người được thẩm thấu từ thuở lọt lòng bằng lời ru của mẹ là những điệu hò, câu ví; là ca dao tục ngữ… Tình người được nuôi dưỡng từ rất sớm, được dạy ở trường lớp, trong mọi cấp học.

Trong xã hội ngày nay, có rất nhiều những gương người tốt, việc tốt, những tấm lòng vì cộng đồng, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để cứu người..., nhưng cũng có không ít  những con người sống lạnh lùng, vô cảm, ích kỷ trước nỗi đau, trước hoạn nạn của đồng loại, mà đáng tiếc thay.... lại đang hiện hữu ngày càng nhiều hơn trong cuộc sống quanh ta... Thật là đáng sợ!

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô cảm và tha hoá đạo đức trong xã hội…, nhưng tóm lại, cái gốc chính là cách sống hay tính cộng đồng ngày nay đang có vấn đề. Sự thờ ơ, hời hợt, nhạt nhẽo trong quan hệ giữa người với người ngày càng rõ nét hơn. Người ta tư duy theo lối vị kỷ, hành xử và giao tiếp rất vô cảm, không quan tâm đến người khác, đến những việc xung quanh. Người ta thấy người tốt, việc tốt không bảo vệ, việc xấu không ngăn cản, thấy người yếu thế bị ức hiếp cũng không bênh vực, chẳng khác gì tiếp tay cho những kẻ xấu, việc xấu lấn tới. Cụ thể, thấy người bị nạn lại bỏ đi, đưa những ánh nhìn lạnh lùng, vô cảm, thậm chí có kẻ lợi dụng cơ hội để hôi của, ăn cắp, lấy tài sản của người gặp nạn.

Nhiều ý kiến cho rằng, lối sống vô cảm là biểu hiện của một nhóm người có môi trường gia đình thiếu tình yêu thương, luôn sống theo lý trí của mình, hơn nữa do ngoại cảnh tác động. Họ không còn lòng tin vào điều tốt nên họ vô cảm trước những điều tốt đẹp trong cuộc đời này. Đó là sự “khủng hoảng niềm tin”, lòng tốt bị người hoài nghi nhiều hơn, những nghĩa cử tốt đẹp đôi khi lại trở thành cá biệt và đối lập với số đông. Tuy nhiên, nếu như ai cũng chỉ biết đến bản thân mình, chỉ vì mình, đề cao mình chứ không có tính cộng đồng... sẽ là hệ lụy rất xấu trong sự phát triển của cộng đồng.

Theo Đại văn hào Nga Maksim Gorky: "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương". Con người ta có thể vô cảm trước áp lực phẫn nộ của dư luận, nhưng lương tâm thì không thể không day dứt trước nỗi đau của người khác./.

Khắc Trường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực