Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về tương trợ tư pháp cho nhóm yếu thế

Thứ tư, 24/06/2020 00:09
(ĐCSVN) – Báo cáo thực tiễn thi hành Luật Tương trợ Tư pháp trong lĩnh vực dân sự, trọng tâm cho nhóm yếu thế là phụ nữ và trẻ em, đóng vai trò như một nền tảng vững chắc cho việc soạn thảo dự luật mới về hoạt động tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.

Ngày 23/6, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại ViệtNam tổ chức Hội thảo Tham vấn “Báo cáo thực tiễn thi hành Luật Tương trợ Tư pháp trong lĩnh vực dân sự trọng tâm cho nhóm yếu thế là phụ nữ và trẻ em” với mục tiêu thảo luận các định hướng chính sách lớn của đề xuất xây dựng Luật Tương trợ Tư pháp (TTTP) về dân sự.

Bản báo cáo là một trong những hoạt động trọng tâm trong khuôn khổ Kế hoạch xây dựng Luật TTTP về dân sự của Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE), do Liên minh Châu Âu tài trợ và được thực hiện bởi UNDP phối hợp cùng UNICEF.

Chương trình này được triển khai nhằm tăng cường thông qua hệ thống tư pháp tin cậy, dễ dàng tiếp cận hơn. Chương trình hướng tới các nhóm đối tượng yếu thế, đặc biệt là phụ nữ,trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo, nhằm hỗ trợ họ giải quyết những khó khăn trong việc sử dụng các dịch vụ công trong hệ thống tư pháp để thực hiện các quyền hợp pháp theo quy định của pháp luật.

 Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: TH.

Trên thực tế, báo cáo đã phát hiện ra rằng 60-80% hoạt động TTTP ở Việt Nam tập trung vào vụ án Hôn nhân gia đình. Ví dụ như trong các trường hợp ly hôn và tranh giành quyền nuôi con, phụ nữ và trẻ em đã phải trải qua rất nhiều khó khăn khi họ chờ đợi các cơ quan xử lý. Một số trẻ em đã bị từ chối quyền lợi chăm sóc sức khỏe vì không không thể có được giấy khai sinh.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, khi mà các quan hệ hợp tác ngày càng đa dạng thì việc thực hiện hoạt động TTTP ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các vụ việc dân sự. Tuy nhiên, Luật TTTP trong những năm qua cũng cho thấy nhiều quy định của Luật chưa hoàn thiện, còn khoảng trống so với yêu cầu thực tế cần được khắc phục, bổ sung nhằm bảo vệ quyền lợi của những nhóm dễ bị tổn thương, trong đó đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Vì vậy, “Báo cáo thực tiễn thi hành Luật Tương trợ Tư pháp trong lĩnh vực dân sự trọng tâm cho nhóm yếu thế là phụ nữ và trẻ em” đóng vai trò như một nền tảng vững chắc cho việc soạn thảo dự luật mới về hoạt động tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, chủ đề TTTP của Hội thảo là khá phức tạp và kỹ thuật, đòi hỏi những kiến thức nhất định về pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và pháp luật của quốc gia mà Việt Nam có hợp tác về TTTP. Tuy nhiên, đối tượng trọng tâm Hội thảo hướng tới là phụ nữ và trẻ em sẽ cho chúng ta một cách nhìn khác hơn, thôi thúc chúng ta cần phải làm tốt hơn, trách nhiệm hơn trong bối cảnh hiện nay. Hội thảo được tổ chức vào tháng 6 - tháng hành động vì trẻ em - đem lại nhiều ý nghĩa.

Thứ trưởng cho biết: Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm Bộ Tư pháp tiếp nhận và chuyển thực hiện hơn 4000 yêu cầu tương trợ tư pháp của Việt Nam gửi đi nước ngoài và nước ngoài gửi đến Việt Nam. Trong đó, các yêu cầu liên quan đến các vụ việc hôn nhân và gia đình tức là liên quan đến phụ nữ và trẻ em chiếm tỷ lệ đáng kể. Do đó, khi các yêu cầu TTTP không có kết quả hoặc chậm có kết quả làm kéo dài thời gian giải quyết vụ việc thì quyền và lợi ích của trẻ em có thể bị ảnh hưởng hoặc khó được đảm bảo đầy đủ.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: “Để nâng cao hiệu quả thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp, dự luật mới cần phải cung cấp cơ sở pháp lý cho phép thúc đẩy đổi mới và áp dụng công nghệ thông tin. Đại dịch COVID-19 mà chúng ta đang gặp phải là một minh chứng mạnh mẽ về cách thức mà công nghệ đổi mới có thể giúp các chính phủ tiếp tục phục vụ công dân trong giai đoạn khó khăn. Và khi thế giới đang chuyển động với tốc độ nhanh chóng hướng tới chính phủ điện tử trong nhiều lĩnh vực dịch vụ khác nhau, Việt Nam cũng cần chuẩn bị để thích nghi, đặc biệt là trong các hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự.”

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý  tập trung đánh giá toàn diện Luật Tương trợ Tư pháp hiện hành tại Việt Nam, đưa ra nhiều góc nhìn, khía cạnh pháp luật khác nhau về tác động của TTTP đối với quyền, lợi ích của phụ nữ và trẻ em trong các vụ việc hôn nhân và gia đình; những nguyên nhân tác động đến hiệu quả hoạt động TTTP; qua đó xác định những điểm hạn chế cần khắc phục … Trên cơ sở đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tương trợ tư pháp để nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực dân sự, kiện toàn bộ máy và nguồn lực thực hiện, hoàn thiện cơ sở pháp lý trong nước và quốc tế thông qua xây dựng pháp luật trong nước và đàm phán mới các điều ước quốc tế cũng như chú trọng thực hiện tốt các điều ước quốc tế./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực