Không có chuyện tiêu cực trong xử phạt vi phạm giao thông qua Cổng Dịch vụ công

Thứ tư, 01/07/2020 19:01
(ĐCSVN) - Từ ngày hôm nay (1/7), nộp tiền vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ được thực trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đánh dấu thời điểm có 725 dịch vụ công cung cấp cho người dân, doanh nghiệp.

Tại buổi họp báo công bố dịch vụ công thứ 725 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, sáng 1/7, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết,  từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt khoảng 1,6 triệu trường hợp vi phạm. Đáng lưu ý, mỗi trường hợp vi phạm phải lập 2 biên bản và ra 3 quyết định ký bản giấy. Do đó, nếu nhân số này với 1,6 triệu thì sẽ tốn kém rất nhiều.

“Nếu việc nộp phạt được thực hiện trực tuyến sẽ giúp tiết kiệm các chi phí này, tiết kiệm công sức và tiền của người dân rất lớn”, Phó Cục trưởng Cục CSGT nói.

Chia sẻ với báo chí bên lề họp báo,  Đại tá Đỗ Thanh Bình thông tin, tính đến 6 giờ ngày 1/7, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã cung cấp 13.000 dữ liệu về các trường hợp vi phạm hành chính để phục vụ tra cứu, nộp phạt trực tuyến trên Cổng Dịch vụ này. Trong đó 11.000 trường hợp có quyết định xử phạt.

 Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) .

Ảnh: Thu Hằng.

Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng nộp tiền tại Cổng Dịch vụ công quốc gia còn hạn chế, mới chỉ có 97 trường hợp.

Từ thực tế triển khai thí điểm hơn 3 tháng qua tại 5 địa phương, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho rằng việc cung cấp thông tin vi phạm tới người dân là nhanh chóng, kịp thời, nhưng hiện có vướng mắc.

“Qua kiểm tra lại từ Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định hướng dẫn và các quy định hiện hành, hiện nay, số điện thoại là rất quan trọng để cung cấp nhanh nhất thông tin cho người dân lại không có trong quy định. Do vậy, chỉ có thể vận động người dân tự nguyện”, Đại tá nói.

 Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông, vấn đề quan trọng hơn là phải đổi mới quy trình xử phạt vi phạm hành chính hiện nay. Ví dụ, với trường hợp bị tước giấy phép lái xe phải có 5 ngày để giải trình thì sẽ chậm.

“Chúng tôi cũng đã tham mưu để Quốc hội và Chính phủ xây dựng, ban hành Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng là tăng phạt tiền và trừ điểm. Với dữ liệu hiện nay sẽ bảo đảm phục vụ người dân tốt nhất”, Đại tá nói.

Ảnh minh họa. Nguồn: vtc.vn. 

Một  khó khăn khác nữa theo ông Đỗ Thanh Bình là người dân phải có tài khoản, phải có trình độ hiểu biết nhất định về công nghệ thông tin thì mới chủ động được.

Nhấn mạnh ứng dụng công nghệ là một xu thế tất yếu, Đại tá Đỗ Thanh Bình đề nghị trong thời đại số, những đơn vị như Kho bạc không cần thiết phải nhận quyết định bản giấy nữa mà chỉ cần bản điện tử. Người dân có nhu cầu nhận bản điện tử, hoặc thậm chí là chỉ cần tin nhắn về số quyết định xử phạt đã có, thì sẽ cải cách rất nhiều.

“Mỗi năm chúng tôi xử phạt gần 5 triệu trường hợp vi phạm, nếu chỉ cần cải cách không phải in 1 quyết định xử phạt, đã tiết kiệm cho nhà nước 5 triệu tờ giấy”, Đại tá Bình nói.

Đại tá Đỗ Thanh Bình nêu rõ: Tất cả hành vi vi phạm sẽ được ghi nhận bằng thiết bị công nghệ. Theo đó, dữ liệu điện tử, chứng cứ điện tử và xử phạt điện tử sẽ minh bạch hóa, khách quan toàn bộ quá trình hoạt động.

“Việc ra quyết định xử phạt thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia chỉ là một bước, nhưng khi đã “giấy trắng, mực đen” lưu lại trên hệ thống giám sát thì yên tâm là không có chuyện tiêu cực”, Đại tá khẳng định./.

 

 

 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực