Làm rõ lĩnh vực, hành vi cần tăng mức phạt hành chính

Thứ tư, 05/02/2020 15:50
(ĐCSVN) - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, việc tăng mức phạt vi phạm hành chính ở một số lĩnh vực phải theo tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm…

Sáng 5/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 26, thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, sau 06 năm triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 52/142 điều, sửa kỹ thuật 12/142 điều, bổ sung mới 02 điều, bãi bỏ nội dung liên quan đến 05 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Một số nội dung lớn sửa đổi lần này được Chính phủ trình như tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực tại Điều 24 như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng. Bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền xử phạt của các chức danh. Tăng thời hạn ra quyết định xử phạt nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bổ sung một số biện pháp cưỡng chế mới; bổ sung quy định về thời hạn, thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính… Sửa đổi các quy định liên quan đến đối tượng và điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý hành chính…

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Phiên họp . Ảnh: TH. 

Phát biểu tại phiên họp, hầu hết các đại biểu đều tán thành cần thiết sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhưng đề nghị xem xét lại phạm vi sửa đổi để giải quyết được 2 vấn đề. Một là những tồn tại, bất cập, vướng mắc trong quy định của luật và việc áp dụng luật trong thực tế. Hai là đáp ứng được tốt hơn công tác phòng, chống vi phạm hành chính trong thời gian tới.

Đa số đại biểu nhất trí cần phải nâng mức xử phạt hành chính ở một số lĩnh vực, nhưng cần chỉ rõ lĩnh vực nào, hành vi nào mới áp dụng mức phạt trung bình, tối thiểu hay tối đa được Luật hiện hành quy định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung đề nghị, cơ quan soạn thảo  giải trình làm rõ về việc nhiều nội dung sửa đổi mới chỉ  tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước mà chưa chú trọng đến quyền cơ bản của công dân được Hiến định như: tăng thẩm quyền tịch thu tang vật, tăng mức tiền phạt, mở rộng việc tạm giữ đối với người vi phạm hành chính…

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhắc lại dư luận xã hội rất bất bình và không đồng tình với việc xử lý một số hành vi trong một số lĩnh vực như xử phạt 200.000 đồng với hành vi dâm ô và nhiều hành vi khác nữa. Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nêu quan điểm, yêu cầu đặt ra là phải tăng mức phạt ở một số lĩnh vực tùy theo tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm, yêu cầu đấu tranh phòng chống, giá cả, kinh tế-xã hội… “Tránh tình trạng do có dư luận nên tăng tất cả mà chưa tính đến trong lĩnh vực đó, chúng ta chưa sử dụng hết mức phạt tối đa mà luật đã cho phép”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đặt vấn đề: Thực hiện chưa nghiêm là do quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính hay ở khâu tổ chức thực hiện?

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đề nghị có quy định về chế tài trách nhiệm của người thi hành công vụ để hạn chế, ràng buộc, kiểm soát quyền lực của người thi hành công vụ như trong pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thanh tra, kiểm toán.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, xử lý vi phạm hành chính là vấn đề lớn. Ở một số địa phương hiện nay đang nổi lên vấn đề trình tự, thủ tục, thẩm quyền xử lý người sử dụng ma túy vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc… Hồ sơ dự luật cần đánh giá được những quy định gì trong luật hiện hành đang còn bất cập, vướng mắc về trình tự thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền, thời gian… để kiến nghị sửa đổi.

“Về cách lập hồ sơ, thời gian, trình tự có thể đơn giản hơn, nhưng phải chặt chẽ để bảo đảm quyền con người. Tinh thần là phải chặt chẽ, nhưng thuận lợi, dễ dàng cho việc áp dụng và đáp ứng được yêu cầu phòng chống tệ nạn ma túy ở cơ sở”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực