Nhiều cách làm sáng tạo trong tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật

Thứ sáu, 03/01/2020 16:10
(ĐCSVN) - Qua 3 năm thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2021”, ở các địa phương, cơ sở đã có nhiều cách làm sáng tạo để đưa Quyết định đi vào cuộc sống.
leftcenterrightdel

 Sân khấu hóa là một hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật
dễ tiếp thu ở vùng dân tộc thiểu số.

Xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An có 7 bản, 80% dân số là người dân tộc Thái. Đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 50%.

Trước đây, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn xã phụ thuộc hoàn toàn vào đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của xã và huyện. Tuy nhiên, công tác này chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, do vậy việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh và đưa ra các chủ trương mới chưa được kịp thời.

Thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xã Châu Tiến đã có sự sáng tạo trong hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng cách thành lập nhóm nòng cốt làm nhiệm vụ tuyên truyền miệng cho nhân dân các bản trong xã. Ông Sầm Thanh Hoài - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, nhóm nòng cốt do một Phó Chủ tịch xã làm trưởng nhóm, cán bộ, công chức các ban, ngành, đoàn thể cùng 51 thành viên là bí thư chi bộ, trưởng bản và các chi hội trưởng của 7 bản. Chỉ trong vòng 5 tháng sau khi thành lập, nhóm nòng cốt đã thực hiện tuyên truyền trên 10 cuộc, với số lượng tham gia hơn 600 lượt người. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; một số chính sách dân tộc gắn với địa bàn xã trong giai đoạn hiện nay, các chuyên đề của xã đã xây dựng kế hoạch và đang trong giai đoạn triển khai thực hiện…

Việc thành lập nhóm nòng cốt tại cơ sở đã đem lại hiệu quả rõ nét, bởi lực lượng tham gia nhóm nòng cốt là đội ngũ gắn bó trực tiếp với đời sống nhân dân, nắm rõ nhất tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vì thế cũng được kịp thời chuyển tải tới nhân dân, để nhân dân biết và thực hiện đúng, hiệu quả hơn. Có thể nói, đây là cách làm mới trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nói chung và xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu nói riêng.

Tổ chức thực hiện Quyết định 1163 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Gia Lai đã duy trì thường xuyên các chuyên mục phổ biến pháp luật cho người dân tộc thiểu số, tăng cường biên soạn, dịch sang tiếng Gia Rai, Ba Na các tài liệu tuyên truyền pháp luật. Tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có tác động nhiều đến đời sống của người dân tộc thiểu số như: Hiến pháp, pháp luật về đất đai; an toàn giao thông; bảo vệ rừng; phòng, chống ma tuý, mại dâm; hôn nhân và gia đình; các chính sách của Trung ương, của tỉnh dành cho người nghèo, người dân tộc thiểu số như chính sách về nhà ở, tái định canh, định cư, khám, chữa bệnh, hỗ trợ học nghề, chính sách hỗ trợ đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số...

Mục tiêu của tỉnh là thông qua công tác tuyên truyền, vận động để làm rõ âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch hòng chống phá Đảng, Nhà nước; vận động đồng bào tự giác, tích cực thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, đề cao tinh thần dân tộc và tôn trọng những điểm khác biệt của các dân tộc thiểu số không trái với lợi ích chung của đất nước; kiên quyết chống tư tưởng kỳ thị, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, dân tộc hẹp hòi, cực đoan hoặc mặc cảm dân tộc, tôn giáo.

Nằm ở vùng Tây Nam bộ, Kiên Giang có 27 thành phần dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn. Tuy nhiên chỉ có 03 dân tộc có dân số đông là Kinh, Khmer, Hoa. Ông Danh Hoàng Duyên - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh đã chọn đối tượng tuyên truyền là đồng bào các dân tộc thiểu số, các vị sư sãi Nam Tông Khmer, các vị Acha, Ban quản trị các chùa Khmer; Hội Tương tế, Ban quản trị các chùa người Hoa; người Hoa tiêu biểu; đảng viên tiêu biểu là người Khmer, sinh viên đang theo học các trường đại học, cao đẳng, các trường Dân tộc nội trú tỉnh, các tôn giáo khác ngoài Phật giáo Nam tông Khmer; người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh.

Trong các buổi tuyên truyền thường dành thời gian thích hợp để báo cáo viên trình bày nội dung và dành thời gian để người nghe nêu ý kiến, đặt vấn đề, sau đó đại diện các ngành có liên quan giải thích, giải trình làm rõ tạo sự đồng thuận chung. Ngoài ra còn thông qua người có uy tín trong đồng bào, thông qua các ngày lễ hội, bằng hình thức nơi nào có đông đồng bào DTTS thì tuyên truyền bằng tiếng dân tộc nhằm giúp cho các đối tượng hiểu sâu về nội dung tuyên truyền.

Trên phạm vi toàn quốc, sau 3 năm thực hiện Quyết định 1163/QĐ-TTg, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức được 5 cuộc hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho 500 đại biểu đại diện cho các khu vực, vùng miền. Tổ chức 14 hội nghị tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật tại 14 tỉnh với hơn 1.400 đại biểu tham dự. Mở 3 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật cấp cho đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, huyện, công chức thực hiện nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật cấp tỉnh, huyện cho khu vực phía Bắc, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, các tỉnh miền Nam. Xây dựng các mô hình điểm phổ biến giáo dục pháp luật nhằm giảm thiểu vi phạm pháp luật về buôn bán người, phòng chống ma túy… Biên soạn 3.500 đầu sách pháp luật liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người dân để phục vụ hoạt động mô hình và cung cấp làm tài liệu tuyên truyền cho báo cáo viên; biên soạn sổ tay kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật đặc thù; phát hành tờ gấp tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục đặc thù bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Bà Hoàng Thị Hạnh - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhận xét, Quyết định 1163/QĐ-TTg đã thực sự đi vào cuộc sống với nhiều cách làm sáng tạo. Có được kết quả này là do các cấp, các ngành đã chú trọng những cách làm, mô hình thu hút được nhiều người dân tham gia, lấy người dân làm trung tâm, kết hợp giữa tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với cam kết, phát huy vai trò của người dân. Phương pháp tuyên truyền đơn giản, dễ hiểu, trọng tâm, gắn với những tình huống phát sinh trong đời sống hàng ngày, phù hợp với tập quán, văn hóa của đồng bào, trong đó chú trọng hình thức tuyên truyền miệng trực tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số, hình thức sân khấu hóa, tăng cường tổ chức các hội nghị tập huấn, phổ biến ngay tại địa bàn xã, thôn bản để thu hút đông đảo người dân tham gia.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Để năm 2021 hoàn thành các mục tiêu trong Quyết định 1163/QĐ-TTg, theo bà Hoàng Thị Hạnh, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cần tiếp tục được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, kết hợp với sự chủ động, sáng tạo về phương pháp và nội dung tuyên truyền của các cấp, các ngành./.

Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực