Phạt nghiêm khắc với hành vi lợi dụng chức vụ xâm hại tình dục người dưới 13 tuổi

Thứ ba, 15/10/2019 09:03
(ĐCSVN) – Đây là một trong nội dung được quy định tại Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao, được TAND tối cao công bố ngày 14/10.

Nghị quyết này nhằm hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 141, Điều 142, Điều 143, Điều 144, Điều 145, Điều 146 và Điều 147 của Bộ luật hình sự và việc xét xử các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, trong đó có tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. 

Theo TAND tối cao, thời gian qua, tình trạng tội phạm xâm hại tình dục, đặc biệt là các tội về xâm hại tình dục đối với trẻ em diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bên cạnh đó, việc triển khai các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng như các đạo luật có liên quan và các hướng dẫn thi hành trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.

Buổi công bố Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Ảnh: CL.

Để có cơ sở pháp lý nhằm xử lý ngày càng có hiệu quả loại tội phạm này, Bộ luật hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến các tội xâm phạm tình dục như làm rõ về chủ thể phạm tội, cụ thể hóa hành vi phạm tội, mở rộng nội hàm khái niệm “giao cấu”, bổ sung trường hợp “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”; sửa đổi, bổ sung một số tình tiết định khung tăng nặng đối với nhóm tội này và bổ sung tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147) nhằm hình sự hóa hành vi lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức.

Nhưng thực tiễn thi hành luật hơn một năm qua cho thấy, vẫn còn một số quy định chưa cụ thể, rõ ràng nên cần thiết phải hướng dẫn cụ thể hơn nữa để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Trên cơ sở đó, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ban hành Nghị quyết số 06/2019 sau một thời gian dài dự thảo, lấy ý kiến. 

Theo đó, Nghị quyết nêu rõ, ai làm những việc sau với người dưới 16 tuổi sẽ bị xác định có hành vi dâm ô theo điều 146 Bộ luật Hình sự 2015: dùng các bộ phận của cơ thể hay dụng cụ tình dục tiếp xúc với bộ phận nhạy cảm của nạn nhân; dụ dỗ, ép buộc tiếp xúc với bộ phận nhạy cảm của mình hoặc người khác.

Một số hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ, hôn vào miệng, cổ, vai, gáy... của người dưới 16 tuổi) cũng là một trong những căn cứ để xác định hành vi dâm ô.

Về nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục, Nghị quyết quy định rõ ngoài tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự thì cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm luân thường, đạo đức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng nghề nghiệp, công việc; xâm hại người dưới 13 tuổi. Đồng thời áp dụng hình phạt bổ sung cao nhất theo quy định của Bộ luật hình sự và các đạo luật liên quan.

Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, căn cứ vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, Tòa án cần thực hiện: Hạn chế triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa nếu vẫn giải quyết được vụ án bằng việc áp dụng các biện pháp thay thế khác. Trường hợp phải triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa, Tòa án cần tạo điều kiện để họ làm quen, tiếp xúc với môi trường Tòa án, với quy trình và thủ tục xét xử; bố trí cho họ ngồi ở phòng cách ly và sử dụng các thiết bị điện tử (ví dụ: micro, loa, ti vi, camera...) để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của họ khi họ khai báo, tham gia tố tụng tại phiên tòa; trường hợp không bố trí được phòng cách ly thì để họ ngồi ở phòng xử án nhưng phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo và khoảng cách giữa Hội đồng xét xử với người bị hại là người dưới 18 tuổi không quá 03 mét…

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/11/2019./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực