Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi)

Thứ sáu, 21/05/2010 21:20

(ĐCSVN) – Sáng 21/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chủ trì phiên họp.

Các đại biểu đã nghe Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi). Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội thứ XII, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về Dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) (Luật NHNN). Đa số ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành và những nội dung cơ bản của dự thảo Luật NHNN (sửa đổi), ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, nhất trí với nhiều nội dung đề xuất trong Tờ trình của Chính phủ; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc cho Dự thảo Luật.

Trên cơ sở ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 và ý kiến góp ý của các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trước kỳ họp thứ 7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Kinh tế phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp ý kiến, nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật NHNN (sửa đổi).

Về địa vị pháp lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Điều 2), đa số đại biểu Quốc hội tán thành như quy định tại khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, là Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần thiết phải xây dựng NHNN theo hướng Ngân hàng Trung ương hiện đại, là cơ quan độc lập hoạt động theo quy định của pháp luật.
 

 

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền trình
bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp
thu, chỉnh lý dự thảo Luật NHNN Việt Nam (sửa đổi)

Mục tiêu xây dựng NHNN trở thành Ngân hàng Trung ương hiện đại, có tính tự chủ và tính độc lập cao là một định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày một cao của hội nhập và phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tuy nhiên, đây là một việc lớn cần có bước đi thích hợp và đòi hỏi phải có một quá trình chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho hoạt động của một ngân hàng trung ương hiện đại. Trong những năm trước mắt, cần tăng cường tính chủ động và tính trách nhiệm của NHNN trong việc hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia (CSTTQG) vừa bảo đảm sự linh hoạt trong điều hành CSTTQG, vừa bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống chính sách kinh tế, tài chính của quốc gia. Vì vậy, quy định địa vị pháp lý của NHNN là cơ quan ngang bộ của Chính phủ thực hiện chức năng Ngân hàng Trung ương là phù hợp với thể chế chính trị, kinh tế-xã hội của Việt Nam hiện nay và mức độ hội nhập của nền kinh tế cũng như nguồn lực của NHNN. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Quốc hội chỉ quyết định định hướng chỉ tiêu lạm phát hàng năm là không hợp lý vì định hướng chỉ là một khái niệm chung, không phù hợp với Hiến pháp. Luật tổ chức Quốc hội quy định về thẩm quyền Quốc hội quyết định các chỉ tiêu kinh tế, xã hội chủ yếu hàng năm.

Mặt khác, lạm phát là một chỉ tiêu kinh tế quan trọng, vừa phản ánh giá trị đồng tiền, vừa chi phối các chỉ tiêu quan trọng khác, cần phải được xác định cụ thể vừa để tính toán, cân đối các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác, vừa để xác định các biện pháp, chính sách cụ thể trong chỉ đạo điều hành.

Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia phải do Quốc hội

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Phan Trung Lý (đoàn Nghệ An) cho rằng, thẩm quyền quyết định chính sách tài chính tiền tệ quốc gia phải do Quốc hội. Đại biểu Phan Trung Lý phân tích: Chính sách tiền tệ quốc gia theo quy định của Điều 84 Hiến pháp là thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định. Căn cứ vào đó thì phương án tiếp thu ở trong dự thảo Luật có thể hiểu: chính sách tiền tệ quốc gia là các quyết định về tiền tệ ở tầm quốc gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền, biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát được thể hiện thông qua chỉ số giá tiêu dùng và các công cụ, biện pháp để thực hiện mục tiêu đề ra. Như vậy có thể thấy quy định về chính sách tiền tệ quốc gia trong dự thảo Luật là phù hợp.

Theo đại biểu Phan Trung Lý, chính sách tiền tệ quốc gia không thể ở chỉ tiêu lạm phát và sau đấy có các công cụ khác nữa. Nếu như nói Quốc hội quyết định chính sách tiền tệ quốc gia thì Quốc hội không chỉ quyết định chỉ tiêu lạm phát. Dù là lạm phát lành mạnh dưới 5% hay lạm phát tiêu cực trên 5% thì đấy không phải là chính sách tiền tệ mà đấy chỉ là biểu hiện, yếu tố, hậu quả chính sách tiền tệ mà thôi. Nếu chúng ta thực hiện chính sách tiền tệ đúng thì ngưỡng thực hiện đó không vượt quá quỹ dự trữ cho phép, như vậy không thể có lạm phát. Do đó Quốc hội không thể quyết định cái bất thường, lạm phát là bất thường, lạm phát không thể là bình thường mà chính sách tiền tệ quốc gia trước hết phải phục vụ trong lĩnh vực sử dụng đồng tiền, quyết định đồng tiền, sử dụng đồng tiền vào các mục tiêu giải quyết các vấn đề, các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Cho phép Ngân hàng Nhà nước can thiệp trực tiếp vào cơ chế lãi suất của tổ chức tín dụng

Liên quan đến việc điều hành lãi suất được quy định tại Điều 12 dự thảo Luật, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình) đề nghị tiếp tục sử dụng công cụ lãi suất cơ bản để đảm bảo nguyên tắc Nhà nước quản lý đối với thị trường tiền tệ và làm cơ sở quy định của Bộ Luật dân sự và các văn bản khác.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho rằng, kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển đổi, có thể phát sinh tình huống ngoài khả năng điều tiết bằng các công cụ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, cho phép Ngân hàng Nhà nước can thiệp trực tiếp vào cơ chế lãi suất của tổ chức tín dụng để ổn định thị trường như quy định tại khoản 2 Điều 12 là cần thiết. Khoản 1 Điều 12 có ghi lãi suất tái cấp vốn và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, ở đây phải hiểu lãi suất khác là có cả lãi suất cơ bản. Khoản 2 Điều 12 nên giữ nguyên để xử lý những vấn đề đột xuất khi thị trường có sự bất ổn mà Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp để giữ vững vai trò quản lý và điều tiết của mình. Điều đó đảm bảo được tính ổn định của Luật, phù hợp với thông lệ quốc tế và theo nguyên tắc hoạt động của thị trường. Có điều kiện giải quyết các vấn đề tình thế trong điều kiện thị trường tiền tệ bất ổn. Ghi như thế cũng không ảnh hưởng nhiều đến các Luật khác mà chúng ta đang thi hành.

Không nên bỏ lãi suất cơ bản

Về lãi suất cơ bản, đại biểu Lê Thị Thu Ba (đoàn Đồng Nai) cho rằng: Đây là công cụ để điều hành tiền tệ và điều hành về lĩnh vực tín dụng và cho vay trong toàn xã hội, không phải chỉ đối với các ngân hàng với nhau hoặc ngân hàng với các khách hàng của mình. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước phải làm sao quản lý cho được tình hình về vay. Tức là tình hình về tín dụng trong ngân hàng cũng như trong nhân dân. Đấy là nhiệm vụ rất quan trọng của ngân hàng và giữ cho được ổn định về tiền tệ. Đại biểu Lê Thị Thu Ba đề nghị nên cân nhắc không nên bỏ lãi suất cơ bản và như thế cũng không bó buộc gì đối với Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng bởi vì: "anh được quyền điều chỉnh trong tình hình có khó khăn thì anh sẽ điều chỉnh, còn thường xuyên anh phải có lãi suất cơ bản để cho các cơ quan tư pháp người ta căn cứ vào cái này khi có tranh chấp về vấn đề vay vốn thì người ta sẽ căn cứ vào đó người ta quyết định, thứ nhất là theo dân sự. Còn đối với loại hình sự thì nếu anh cho vay mà vi phạm Bộ Luật hình sự về vấn đề cho vay nặng lãi thì người ta sẽ xử anh vào tội cho vay nặng lãi, như vậy nó mới đảm bảo cho được ổn định tình hình thị trường cho vay, chứ còn nếu không thì tôi cho rằng chúng ta buông một công cụ rất quan trọng của Ngân hàng Nhà nước".

Chiều 21/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực