Xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp

Thứ sáu, 25/01/2019 18:40
(ĐCSVN) – Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhấn mạnh: Cần phát huy vai trò tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá; tăng cường kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực này.

Ngày 25/1, tại Hà Nội, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2019. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị.

Trong năm 2018, công tác bổ trợ tư pháp đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả nổi bật, cơ bản bảo đảm thời hạn và chất lượng, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng và hoàn thiện thể chế tiếp tục bảo đảm chất lượng, tiến độ; việc triển khai các văn bản, đề án tiếp tục được tăng cường, hướng về cơ sở; công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh hơn nữa, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm, vướng mắc, khó khăn của cá nhân, tổ chức.

 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: TH.


Cụ thể, đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành 6 văn bản, gồm 2 Nghị định, 2 Thông tư, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 1 Quy chế phối hợp liên ngành. Đáng chú ý, Cục đã tham mưu cho Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu công chứng viên toàn quốc lần thứ nhất thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam; ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng và Tổ giúp việc Hội đồng đánh giá, phân loại tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại có yếu tố nước ngoài…

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác bổ trợ tư pháp cũng còn một số khó khăn, vướng mắc: Quan điểm, nhận thức về các nghề tư pháp (luật sư, công chứng, đấu giá tài sản) có chiều hướng bị đồng nhất với các hoạt động kinh doanh thông thường dẫn đến một số hệ quả không tốt như: Cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật… Hoạt động luật sư còn tiềm ẩn phức tạp, vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư ở một số địa phương chưa được phát huy đầy đủ, năng lực tự quản còn hạn chế. Công tác quản lý, thanh lý tài sản của quản tài viên còn nhiều lúng túng, chưa thực sự phát huy vai trò trong việc tham gia giải quyết các vụ việc phá sản. Công tác phối hợp với một số cơ quan trong năm 2018 còn gặp khó khăn dẫn đến một số nhiệm vụ còn chậm tiến độ…

Ghi nhận các kết quả trong năm qua của Cục Bổ trợ tư pháp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đề nghị về mặt thể chế, cần tiếp tục tập trung vào thế mạnh của Cục và tới đây làm tốt nhiệm vụ chủ trì sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp, sửa đổi các Nghị định về thừa phát lại; tiếp tục theo dõi triển khai tốt một số đạo luật, đặc biệt là Luật Đấu giá tài sản. Đồng thời, phát huy vai trò tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực này. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để việc cấp chứng chỉ hành nghề trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp đạt mức độ 2, 3, 4…/.

 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực