Tọa đàm GS Trần Hữu Tước với sự nghiệp phát triển Y tế Việt Nam

Thứ tư, 04/12/2013 14:03
 

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 30 năm ngày mất của GS Trần Hữu Tước, chiều ngày 02/12/2013 Bộ Y tế tổ chức buổi tọa đàm “GS Trần Hữu Tước với sự nghiệp phát triển Y tế Việt Nam”.

Tham dự buổi tọa đàm có PGS.TS. Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế; GS.TTND Đặng Hiếu Trưng; GS.TS Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, thành viên Hội đồng Lý luận TƯ, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện khoa học nghiên cứu nhân tài – nhân lực; GS Hoàng Bảo Châu – Tổng hội Y dược học Việt Nam; GS Võ Thanh Quang – Viện trưởng Viện tai mũi Họng Trung ương; cùng đông đảo các GS, Thầy thuốc nhân dân cùng thời kỳ với GS Trần Hữu Tước; đại diện gia đình GS Trần Hữu Tước, Lãnh đạo các Vụ/Cục của Bộ Y tế, cán bộ viên chức Viện Tai mũi họng Trung ương; các thầy cô giáo và sinh viên Đại học Y tế Công cộng; cơ quan thông tấn báo chí truyền hình đã về dự và đưa tin cho buổi Tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm các vị Đại biểu đã được nghe các khách mời nói về “Lập trường chính trị và tấm gương nhân hậu, đạo đức” cũng như “những đóng góp của GS Trần Hữu Tước với sự nghiệp phát triển ngành y tế”.

GS Trần Hữu Tước, sinh năm 1913 trong một gia đình trung lưu tại làng Bạch Mai, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Lớn lên, ông là một trong những học sinh xuất sắc tại Trường Albert Sarraut, được gửi sang Pháp học và đậu vào Đại học Y khoa Paris. Bảo vệ luận án bác sĩ y khoa xuất sắc năm 1937, ông được giữ lại làm trợ lý cho giáo sư Lơ-mi-e, chuyên gia Tai Mũi Họng danh tiếng thời đó. Năm 1939, Đại chiến thế giới lần thứ II bùng nổ, ông tham gia vào hàng ngũ những người kháng chiến yêu nước Pháp, chống lại quân Đức.

Năm 1946, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau, ông là một trong những trí thức theo Hồ Chủ tịch về nước (cùng với Vũ Đình Huỳnh, Võ Quý HuânTrần Đại Nghĩa).

Trong Kháng chiến chống Pháp, ông tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Y Dược tại chiến khu. Hoà bình lập lại, ông trở thành Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội (1955 - 1969); Giáo sư Đại học Y Dược Hà Nội, Trưởng Bộ môn Tai Mũi Họng của trường; Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam (1961-1983); Viện trưởng đầu tiên của Viện Tai Mũi Họng Trung ương (từ 1969), Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (1960); Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Y học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Ông đã đóng góp toàn bộ sức lực để xây dựng ngành Tai Mũi Họng Việt Nam hoàn chỉnh, đồng thời có nhiều công trình nghiên cứu, chuyên sâu vàp các lĩnh vực: ung thư tai - mũi - họng (ung thư vòm, hạ họng, thanh quản), viêm tai - xương chũm hài nhi; apxe não và tiểu não do tai, điếc trẻ em, dị ứng trong tai - mũi - họng, nội soi...

Với những đóng góp của mình, Năm 1996 ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt I.

GS Trần Hữu Tước đã cống hiến hết mình cho cách mạng, cho nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cuộc đời và sự nghiệp của giáo sư là một tấm gương với đạo đức nhân hậu, làm việc chí công vô tư, thanh bạch, liêm khiết, hết lòng chăm lo đào tạo cho thế hệ trẻ, mẫu mực và thị phạm trong việc chăm sóc người bệnh và sống giản dị, thẳng thắn, cởi mở, đầy nghĩa tình với các đồng nghiệp.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực