Hơn 13 triệu người trên thế giới mắc COVID-19

Thứ hai, 13/07/2020 09:00
(ĐCSVN) – Tính đến 6 giờ sáng 13/7, thế giới ghi nhận tổng số 13.023.505 ca mắc COVID-19 sau khi có thêm 190.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua– theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info.

 Công nhân đeo đồ bảo hộ phòng dịch COVID-19 tại một nhà máy ở Đông Java, Inodnesia

(Ảnh: THX/TTXVN)

Các số liệu mới nhất cho thấy, chỉ trong ngày hôm qua, thế giới có thêm 3.885 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì COVID-19 lên 571.009 ca. Hiện có 7.573.583 ca đã bình phục, 4.878.913 ca đang được điều trị tích cực và 58.930 ca đang trong tình trạng nghiêm trọng.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch COVID-19. Số ca mắc bệnh tại Mỹ lên đến 3.412.493  ca sau khi nước này có thêm 56.847 ca mắc mới trong ngày hôm qua. Cường quốc hàng đầu thế giới đã ghi nhận 137.782 ca tử vong, 1.516.025 ca bình phục.  Ngày 12/7, bang Florida của Mỹ thông báo đã ghi nhận 15.299 ca dương tính mới với virus SASR-CoV-2 trong 24 giờ qua, qua đó trở thành bang có số ca mắc COIVD-19 mới trong 1 ngày cao kỉ lục kể từ khi đại dịch này bắt đầu bùng phát tại Mỹ. Ngày 12/7 cũng là ngày thứ 3 liên tiếp bang Florida xác nhận hơn 10.000 ca mắc mới. Sở Y tế bang Florida cho hay cùng ngày đã có thêm 45 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại đây kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát là 4.242 ca. Bên cạnh đó, đã có hơn 18.000 bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện. Độ tuổi trung bình của bệnh nhân COVID-19 là 39.

Sau Mỹ là Brazil với 1.864.681 ca mắc, 72.100 ca tử vong. Riêng trong ngày hôm qua, Brazil ghi nhận thêm 23.869 ca nhiễm COVID-19 mới.

Châu Âu ghi nhận tổng số 2.570.985 ca nhiễm COVID-19,  trong đó 196.566 ca tử vong. Nga, Tây Ban Nha, Anh là ba quốc gia dẫn đầu danh sách số ca mắc COVID-19 trong khu vực với lần lượt số ca mắc bệnh là 727.162 ; 300.988 và 289.603. 

Trong đó, Anh là nước có số ca tử vong cao nhất với 44.819 ca. Theo Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock, mỗi tuần ở Anh phát hiện ra hơn 100 ổ dịch nhỏ lẻ tại các địa phương, chính quyền phải tiến hành phong tỏa khoanh vùng, đồng thời tiến hành xét nghiệm tại nhà cho mọi người dân sống trong khu có ổ dịch. Thống kê công bố cùng ngày cũng cho thấy số ca mắc mới COVID-19 được xác nhận tại Anh đã giảm từ mức đỉnh hơn 6.000 hồi tháng 4 xuống còn 650 trong ngày 12/7, trong bối cảnh nhà chức trách đã tăng cường xét nghiệm.

Số ca mắc COVID-19 tại Bắc Mỹ đã tăng lên 3.992.878 ca sau khi khu vực này ghi nhận thêm 66.622 ca nhiễm mới. Hiện đã có 185.788 ca tử vong được ghi nhận ở khu vực này. Mỹ chiếm tới gần  86% số ca mắc COVID-19 ở khu vực này. Tiếp theo đó là Mexico với 295.268 ca nhiễm, 34.730 ca tử vong. Canada cũng ghi nhận con số 107.589 ca nhiễm, trong đó 8.783 ca đã tử vong.

Châu Á có thêm 54.682 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm ở khu vực này lên 2.957.468 ca, trong đó 70.124 ca đã tử vong,  2.044.336 ca phục hồi . Ấn Độ vẫn là quốc gia dẫn đầu trong khu vực, đứng thứ ba thế giới về số ca nhiễm, với 879.466 ca, trong đó 23.187 ca tử vong. Tiếp theo là Iran với 257.303 ca nhiễm, 12.829 ca tử vong. Đứng thứ ba khu vực là Pakistan với 248.872 ca nhiễm, 5.197 ca tử vong.

 Người dân đeo khẩu trang khi đi trên đường phố ở  Nhật Bản (Ảnh: THX/TTXVN)

Tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo ngày 12/7 thông báo thêm 206 ca mắc COVID-19, đánh dấu ngày thứ 4 liên tiếp thành phố này ghi nhận hơn 200 ca mắc mới/ngày. Tới nay, thủ đô của Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 7.927 ca mắc bệnh, chiếm khoảng 1/3 tổng cố ca mắc trên cả nước. Hiện người dân và giới chức Tokyo đang ngày càng lo ngại nguy cơ xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai tại thành phố có 14 triệu dân này. Theo đánh giá của chính quyền Tokyo, dù số ca mắc mới tăng nhưng không có ca nào trong tình trạng nghiêm trọng và khoảng 80% trong số này cũng ở độ tuổi 30 hoặc trẻ hơn.

Tại Hàn Quốc, bắt đầu từ ngày 3/7, Hàn Quốc sẽ yêu cầu những khách nhập cảnh đến từ một số quốc gia bị đánh giá là rủi ro cao về dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 phải có giấy xác nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Hàn Quốc đang chứng kiến số ca nhiễm "nhập khẩu" gia tăng đáng lo ngại từ trung bình 6 ca/ngày hồi tháng 5 lên 11 ca/ngày trong tháng 6 còn tháng 7 này con số đó đã nhảy lên 20 ca/ngày.

Trong khi dó, Indonesia là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất khu vực Đông Nam Á. Đáng chú ý, quốc gia này mới phát hiện một ổ dịch liên quan tới một học viện quân sự, ghi nhận gần 1.300 người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Nam Mỹ ghi nhận 2.891.842 ca nhiễm sau khi có thêm 40.668 ca nhiễm mới trong ngày qua,  trong đó có 105.101 ca đã tử vong, tổng số ca bình phục là 1.873.771. Brazil vẫn là quốc gia đứng đầu khu vực về số ca nhiễm và ca tử vong với con số lần lượt là 1.864.681 và 72.100. Riêng trong 24 giờ qua, quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm 23.869 ca nhiễm, 608 ca tử vong. Tiếp theo là Peru và Chile với số ca nhiễm  lần lượt là 326.326và 315.041.

Châu Phi ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày hôm qua là 16.511, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 598.151, trong đó 13.285 ca đã tử vong. Nam Phi là quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất khu vực với 276.242 ca, trong đó 4.079 ca đã tử vong, 134.874 ca đã phục hồi.  Tối 12/7 theo giờ địa phương, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramphosa tuyên bố nước này tiếp tục duy trì lệnh phong tỏa cấp độ 3 song sẽ tăng cường một số biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm ứng phó trước sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại quốc gia phát triển nhất châu Phi này gần chạm mốc 300.000 người.

Châu Đại Dương có thêm 244 ca nhiễm mới trong ngày hôm qua, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 ở khu vực này lên 11.460 ca, trong đó có 130 ca tử vong. Trong số ca nhiễm mới của châu  lục, Australia có tới  243 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 9.796, trong đó có 108 ca tử vong./.

 

Kiều Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực