Kinh tế Nam Phi lao đao vì lệnh phong tỏa do đại dịch COVID-19

Thứ ba, 23/06/2020 16:43
(ĐCSVN) – Ngày 22/6, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa lên tiếng thúc giục các công ty đang có kế hoạch cắt giảm nhân sự phải đảm bảo cân bằng giữa tính bền vững của hoạt động doanh nghiệp và cuộc sống của người làm công, bất chấp việc nền kinh tế nước này đang phải đối mặt với thời kỳ “đặc biệt khó khăn” do lệnh phong tỏa vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).
 Một loạt các cửa hàng tại thành phố Cape Town, Nam Phi buộc phải đóng cửa do lệnh phong tỏa vì đại dịch COVID-19. (Ảnh: Reuters)

“Chúng ta tìm cách bảo vệ các công việc hiện tại nhiều bao nhiêu thì chúng ta cũng cần tạo ra những việc làm mới và thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư mới”, Tổng thống Ramaphosa cho biết trong thông báo phát đi hàng tuần. Tổng thống Ramaphosa cũng thông báo chính phủ sẽ tiếp tục tìm ra những chính sách phù hợp để hỗ trợ khối doanh nghiệp. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt đối với người trẻ tuổi.

Tổng thống Cyril Ramaphosa đưa ra phát biểu sau khi hàng loạt các công ty thông báo kế hoạch cắt giảm nhân sự vào cuối tuần qua, từ lĩnh vực hàng không cho đến xây dựng, giải trí, khách sạn… Nhiều công ty đã phải đưa ra kế hoạch cắt giảm nhân sự do những tổn thất nặng nề trong vòng 3 tháng qua từ đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19 cũng đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải giải thể nhân sự và tuyên bố phá sản.

Tổng thống Cyril Ramaphosa cũng cảnh báo nền kinh tế phát triển nhất châu Phi này sẽ đối mặt với một thời kỳ "đặc biệt khó khăn" phía trước do những ảnh hưởng tiêu cực của các biện pháp phong tỏa nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19. 

“Tất cả chúng ta đều nhận thức sâu sắc về hậu quả từ việc đóng cửa các hoạt động kinh tế trong suốt thời kỳ dịch bệnh COVID-19. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn trong việc bảo vệ cuộc sống của người dân”, Tổng thống Ramaphosa cho hay.

Vào tháng 4 vừa qua, Tổ chức Lao động Quốc tế dự báo sẽ có khoảng 305 triệu người trên thế giới mất đi việc làm. “Nam Phi, đất nước hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thất nghiệp và sự suy thoái về kinh tế cũng không phải ngoại lệ”. Tổng thống Cyril Ramaphosa nhận định.

Lệnh phong tỏa vì COVID-19 khiến kinh tế Nam Phi rơi vào thời kỳ "đặc biệ khó khăn". (Video: aljazeera.com) 

Ông Ramaphosa cho biết trong bối cảnh Nam Phi nhiều năm qua đã gặp rất nhiều vấn đề nghiêm trọng như tỷ lệ thất nghiệp cao và tốc độ tăng trưởng trì trệ, việc quốc gia này trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với những khó khăn hơn nữa là không thể tránh khỏi. Tổng thống Nam Phi Ramaphosa kêu gọi người dân hãy chuẩn bị tinh thần cho một viễn cảnh không mấy sáng sủa, vì chắc chắn rằng sẽ không có cách giải quyết nhanh chóng nào cho những khó khăn hiện hữu này.

Tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Dự trữ Nam Phi (SARB) đánh giá đại dịch COVID-19 có thể gây ra cú sốc kinh tế lịch sử đối với nước này kể từ sau Thế chiến thứ II.

Cũng theo SARB, tổng GDP của Nam Phi năm 2020 có thể giảm 7% và điều này cho thấy nền kinh tế Nam Phi sẽ đối mặt với cú sốc đáng kể. Chuyên gia kinh tế hàng đầu của SARB Alex Smith cho rằng cú sốc COVID-19 có thể gây thiệt hại đối với tình hình kinh tế của Nam Phi trong khoảng 5 năm tới.

Trong báo cáo Ngân sách Quốc gia năm 2020, Bộ Tài chính Nam Phi dự báo nợ công của nước này sẽ tăng từ mức hiện tại 61,6% GDP, lên 71,6% GDP vào năm 2023. Tuy nhiên, IMF dự báo nợ công của Nam Phi sẽ ở mức 85,6% GDP vào cuối năm 2021, do tác động kinh tế của COVID-19 cũng như các biện pháp kích thích tài chính được Chính phủ Nam Phi đưa ra tháng 4 vừa qua.

Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Tito Mboweni cho biết, nước này cần phải tái cấu trúc nền kinh tế từ khủng hoảng COVID-19 nhằm đảm bảo việc làm cho người dân. Dự kiến ngày 24/6 tới đây, ông Tito Mboweni sẽ công bố kế hoạch phân bổ gói hỗ trợ kinh tế - xã hội trị giá 26 tỷ USD để ứng phó với dịch COVID-19, trong đó bao gồm 7 tỷ USD hỗ trợ người lao động duy trì việc làm. 

Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng này 22/6, Nam Phi ghi nhận có tổng cộng 101.590 ca nhiễm COVID-19 và hiện đứng đầu châu Phi về mức độ ảnh hưởng do COVID-19 gây ra. Nước này cũng ghi nhận có 1.991 ca tử vong vì dịch bệnh./.

Hoài Hà (Theo Bloomberg, africa.cgtn.com)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực