Niềm tin kinh doanh tại Nhật Bản xuống mức thấp nhất trong gần 7 năm

Thứ sáu, 13/12/2019 16:21
(ĐCSVN) – Ngày 12/12, kết quả một cuộc khảo sát do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) thực hiện cho thấy niềm tin kinh doanh của các nhà sản xuất lớn ở Nhật Bản đang ở mức thấp nhất trong gần 7 năm qua, giữa bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cùng với nhu cầu toàn cầu giảm sút.
leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. (Nguồn Nikkei Asia Review) 

Cuộc khảo sát theo quý cho thấy niềm tin của các nhà sản xuất lớn trong quý hiện tại ở mức thấp nhất trong gần 7 năm qua, chỉ ở mức 0 trong tháng 12, giảm so với cuộc khảo sát được thực hiện trong quý II, khi chỉ số niềm tin được đo ở mức dương 5.

Chỉ số này đánh dấu mức giảm niềm tin kinh doanh quý thứ 4 liên tiếp và thấp nhất kể từ tháng 3/2013. Cuộc khảo sát được BoJ thực hiện với người đứng đầu của khoảng 10.000 công ty để biết xem họ nghĩ gì về kinh tế Nhật Bản. Theo đó, họ cho rằng kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái xấu hoặc thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn trong vòng 3 tháng tới nếu như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các ngành sản xuất.

Quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết, việc thuế tiêu dùng tăng từ ngày 1/10 đã làm giảm doanh số của các cửa hàng bách hóa và cửa hàng bán đồ gia dụng. Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa là do nhu cầu từ Trung Quốc đối với ô tô cũng trì trệ do mức tăng trưởng kinh tế của nước này đang chậm lại.

Ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã khiến chỉ số lòng tin từ các nhà sản xuất ô tô lớn lần đầu tiên cũng trở nên bi quan trong hơn 3 năm trở lại đây.

Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% từ ngày 1/10, nhằm giải quyết gánh nặng nợ công hiện cao hơn gấp đôi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Việc tăng thuế tiêu dùng đã gây ra gánh nặng cho lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản, chỉ số lòng tin của các nhà phi sản xuất lớn giảm xuống dương 20 so với cuộc khảo sát được thực hiện trong quý II là dương 21.

Chi tiêu vốn là một trong những điểm sáng ít ỏi đối với nền kinh tế Nhật Bản khi các công ty tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao nhằm đối phó với tình trạng thiếu lao động. Các công ty lớn hiện có kế hoạch tăng chi tiêu vốn lên 6,8% tính đến cuối tháng 3/2020, đánh dấu mức tăng nhẹ so với kế hoạch được đưa ra 3 tháng trước đó.

Số liệu cho thấy kinh tế Nhật Bản gần như tê liệt trong quý III vừa qua, do tác động tiêu cực của thương chiến Mỹ - Trung và nhu cầu suy giảm trên thị trường toàn cầu.

Ông Marcel Thieliant, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Capital Economics cho hay “Nền kinh tế Nhật Bản đang tăng trưởng chậm chứ không hẳn là rơi vào suy thoái. Vì vậy, BoJ khó có thể cắt giảm lãi suất vào cuộc họp tuần tới”./.

Hoài Hà (Theo CNBC, Reuters)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực