Lâm Đồng: Hiệu quả tích cực từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

Thứ tư, 19/04/2017 14:53
(ĐCSVN) – Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi tại Lâm Đồng có nhiều chuyển biến tích cực. Từ phong trào, nhiều nông dân đã vươn lên làm giàu và giúp các hộ khác cùng phát triển; qua đó góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân trên địa bàn.


Hướng đến mục tiêu chất lượng, hiệu quả

Cũng như các tỉnh Tây Nguyên khác, Lâm Đồng có nhiều lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai để phát triển nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, hiệu quả cao. Phát huy lợi thế đó, nhiều năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) tỉnh Lâm Đồng đã chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền các cấp chỉ đạo và trực tiếp đồng hành cùng nông dân đẩy mạnh phong trào thi đua SXKD, nâng cao năng suất, đưa giá trị kinh tế nông nghiệp trên địa bàn không ngừng nâng cao, tăng thu nhập cho nông dân.

Với công nghệ trồng hoa trong nhà kính, nông dân Lâm Đồng 
đã nâng thu nhập trên một diện tích canh tác lên gấp nhiều lần.

Theo ông Trương Văn Tùng, Phó Chủ tịch HND tỉnh Lâm Đồng, hằng năm Hội đều phát động phong trào thi đua trong các cấp HND trong toàn tỉnh. Phong trào hướng đến mục tiêu chất lượng, hiệu quả; tránh hình thức phô trương, lấy nông dân làm đối tượng chủ yếu.

“Đi đôi với phát động phong trào thi đua, các cấp HND cũng quan tâm đến việc hỗ trợ, giúp nông dân vay vốn, mở rộng và đa dạng các mô hình SXKD, đồng thời tiếp cận và chuyển giao các tiến bộ của khoa học công nghệ để áp dụng vào sản xuất. Thông qua nhiều diễn đàn, nhiều mối quan hệ hợp tác, các cấp Hội đã kêu gọi doanh nghiệp bao tiêu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Nhờ những hỗ trợ kịp thời đó, hằng năm tỷ lệ nông dân tham gia đăng ký phong trào SXKD giỏi ngày một tăng; quy mô, số lượng và mô hình SXKD của nông dân trong tỉnh tiếp tục được ghi nhận” - Phó Chủ tịch HND tỉnh Lâm Đồng Trương Văn Tùng cho biết.

Theo HND tỉnh Lâm Đồng, từ phong trào SXKD giỏi, tính đến năm 2016, toàn tỉnh đã xuất hiện 108 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, 240 tổ hợp tác và hơn 932 trang trại sản xuất trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả. Các mô hình này đã góp phần làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Đặc biệt, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao cùng nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội gắn với bảo vệ môi trường ở nông thôn đã ra đời và được khẳng định, giữ vị trí định hướng phát triển mới cho nền kinh tế nông nghiệp địa phương…

Riêng với quy mô nông hộ, tại Lâm Đồng hiện có nhiều hộ nông dân có mô hình sản xuất lớn (trang trại, nông trại), sản xuất nhiều cây, con có giá trị với thu nhập từ 500 triệu đồng đến trên 01 tỷ, 02 tỷ đồng/năm. Đây là cơ sở để hiện nay Lâm Đồng giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5,17% (giảm 1,5% so với đầu năm 2016); trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn 16,1% (giảm 3,01% so với đầu năm 2016); từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng nông thôn phát triển, tạo công ăn việc làm và làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn của tỉnh.

Phát triển cả chiều rộng và chiều sâu

Để phong trào thi đua SXKD giỏi trong nông dân Lâm Đồng bám sâu từng địa bàn, từng đối tượng nông dân trong tỉnh, hằng năm, trước khi phát động, các cấp HND đã bám sát Quy định 944-QĐ/HNDTW của Trung ương HND Việt Nam về “Quy định tiêu chuẩn hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp” để hướng dẫn tổ chức, chỉ đạo và triển khai. Đồng thời hướng phong trào đi vào thực tiễn bằng phương châm: “Gắn thi đua SXKD giỏi với đoàn kết, giúp đỡ nhau xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”.

Trên cơ sở đó đẩy mạnh tuyên truyền, giúp các cấp HND và từng đối tượng nông dân nắm bắt các yêu cầu, tích cực tham gia. Trong giai đoạn 2012-2016, mỗi năm số hội viên, nông dân đăng ký tham gia danh hiệu Nông dân SXKD giỏi các cấp luôn tăng. Theo ông Đa Cát Vinh, Chủ tịch HND tỉnh Lâm Đồng, riêng năm 2016 có gần 87 ngàn hộ đăng ký, chiếm 57% tổng số hội viên HND của tỉnh; trong đó, số hộ đạt danh hiệu Nông dân SXKD giỏi các cấp là hơn 61.800 hộ (bao gồm cấp Trung ương có 337 hộ, cấp tỉnh hơn 4.350 hộ, cấp huyện hơn 20 ngàn hộ, cấp cơ sở hơn 37 ngàn hộ). Nhiều huyện, thành hội như: Bảo Lâm, Cát Tiên, Dạ Tẻh, Đạ Huoai, Lâm Hà, Đơn Dương, TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc, huyện Đức Trọng… có số hộ đăng ký Nông dân SXKD giỏi cao.

“Số hộ đạt danh hiệu Nông dân SXKD giỏi tăng so với đầu nhiệm kỳ là 5.111 hộ (chiếm 9%), số hộ nông dân thông qua phong trào đã vươn lên thoát nghèo là 4.519 hộ (chiếm 1,5% so với hộ nghèo của tỉnh). Không dừng lại ở những con số trên, nhiều loại hình, mô hình sản xuất được nông dân lựa chọn, tập trung nâng cao hiệu quả, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, xây dựng thương hiệu, kết nối mở rộng thị trường tạo đầu ra cho sản phẩm ngày càng nhiều, góp phần làm thay đổi cơ cấu ngành sản xuất trong nông nghiệp của tỉnh...

Từ các mô hình SXKD giỏi, hiện toàn tỉnh số hộ nông dân có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm là 74 hộ (chiếm 0,12%), từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng là 255 hộ (chiếm 0,41%), từ 300 triệu đến dưới 500 triệu đồng là 2.328 hộ (chiếm 3,77%), từ 200 triệu đến dưới 300 triệu đồng có 8.881 hộ (chiếm 14,36%), từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng có 50.298 hộ (chiếm 81,43%)” - ông Đa Cát Vinh, Chủ tịch HND tỉnh Lâm Đồng cho biết.

Với sự hỗ trợ và đồng hành của Hội Nông dân cùng các cơ chế, chính sách
 phát triển nông nghiệp bền vững, nông dân Lâm Đồng đang tiếp tục mở rộng
quy mô, liên kết sản xuất để vươn lên làm giàu.

Khẳng định chất lượng và hiệu quả của phong trào thi đua SXKD giỏi trong nông dân tỉnh Lâm Đồng hiện nay, đặc biệt là trong nông dân vùng tôn giáo, đồng bào dân tộc, Phó Chủ tịch HND tỉnh Lâm Đồng Trương Văn Tùng chia sẻ: Trong các năm gần đây, tại nhiều địa phương trong tỉnh, số gương nông dân sau khi đạt danh hiệu Nông dân SXKD giỏi vẫn tiếp tục giữ vững và phát huy mỗi năm lại nhiều thêm. Điển hình như gương nông dân Nguyễn Hữu Trí (thôn Đa Quý, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt), trước năm 2012 có mức thu nhập vài tỷ đồng/năm thì nay tiếp tục mở rộng sản xuất để nâng thu nhập lên đến 30 tỷ đồng/năm với mô hình trồng hoa lyly, hoa tulip, hoa hướng dương và cẩm tú cầu trong nhà kính. Không chỉ tăng thu nhập cho gia đình, nông dân Trí còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động mỗi năm với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng. 

Hoặc như nông dân Võ Tiến Huy (thôn Định An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) sau khi cho ra đời Hợp tác xã Tiến Huy với mô hình kiểm soát theo chuỗi an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế rau củ quả (được cấp chứng nhận Vietgap) đã liên kết với 11 thành viên và 30 hộ nông dân khác sản xuất gần trên 48ha và thu mua tạo đầu ra các mặt hàng rau củ quả sạch cho thu nhập trên 1,5 tỷ đồng/năm, giải quyết công ăn việc làm cho 30 lao động địa phương.

Với nông dân Nguyễn Thanh Vang (thôn Nghĩa Lập 1, thị Trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương) mô hình rau, hoa nông nghiệp công nghệ cao cho thu nhập hơn 2 tỷ đồng/năm, giải quyết  việc làm cho hơn 50 người với mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt, phong trào thi đua SXKD giỏi có nhiều nông dân là đồng bào công giáo, đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình như anh K’Brêm (sinh 1960), dân tộc Mạ, là một tín đồ Thiên Chúa Giáo tại tổ 3, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cấy ghép, cải tạo vườn cà phê cho năng suất cao. Hiện anh K'Brêm có 10ha cà phê đã ghép và cải tạo trồng mới xen canh với 100 cây bơ, 500 trụ tiêu bói, bình quân cho thu nhập mỗi năm 1 tỷ đồng; giúp 20 hộ nghèo khác về kỹ thuật sản xuất, giống cây trồng.

Cũng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, ông K’Long Char (phường 7, TP Đà Lạt) từ một hộ nghèo, nhờ nỗ lực vươn lên làm kinh tế giỏi, đã đưa mức thu nhập của gia đình bình quân hàng năm lên 900 triệu đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động là người địa phương; hộ bà Liên Jrang K Sáu (xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương) với mô hình sản xuất cà phê hàng năm cho thu nhập 300 triệu đồng; hộ ông K’Brối (xã Liên Hà, huyện Lâm Hà) bằng nghề trồng cà phê và trồng dâu nuôi tằm hằng năm đã cho thu nhập trên 500 triệu đồng…

“Đây thực sự là những tấm gương chịu khó, tự lực, tự cường vươn lên không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giúp đỡ các hộ khác thoát nghèo, làm nòng cốt, đi đầu trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở các vùng dân tộc thiểu số, tôn giáo của tỉnh Lâm Đồng” - ông Trương Văn Tùng, Phó Chủ tịch HND tỉnh Lâm Đồng cho biết./.

Ðình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực