Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phòng chống tham nhũng cần có bước đi chắc chắn, hiệu quả

Chủ nhật, 07/08/2016 19:39
(ĐCSVN) – Ngày 6/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 Thành phố Hà Nội đã dành cả ngày để tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ. Nhiều vấn đề nóng liên quan công tác cán bộ, phòng chống tham nhũng, chủ quyền biển đảo… đã được các cử tri tập trung phản ánh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Ba Đình sáng 6/8. (Ảnh:TH)

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri bày tỏ vui mừng trước những thành công của Đại hội XII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp. Các cử tri cho rằng những kết quả này thực sự hợp với lòng dân ý Đảng, tạo luồng khí thế mới để đất nước tiếp tục phát triển, Quốc hội thật sự đổi mới vì lợi ích của Nhân dân.

Các cử tri cũng nêu nhiều vấn đề bức xúc mà dư luận và Nhân dân rất quan tâm thời gian qua. Nhấn mạnh đến các vụ việc như ô nhiễm môi trường Formosa, về vụ việc liên quan đến sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh, việc vỡ đường ống nước sông Đà tới 18 lần nhưng không bị xử lý trách nhiệm hình sự..., cử tri Nguyễn Phi Tính (Hoàn Kiếm) đặt câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai? Theo cử tri này, từ những vụ việc điển hình cho thấy, pháp luật, kỷ cương phép nước chưa nghiêm nên đề nghị Quốc hội, Chính phủ có những biện pháp làm rõ từng vụ việc, xử lý nghiêm để Nhân dân ngày càng tin tưởng vào Đảng, Nhà nước.

Cùng thể hiện sự lo lắng trước sự cố môi trường liên quan đến Formosa, nhiều cử tri mong muốn Quốc hội xem lại chính sách kinh tế liên quan đến bảo vệ môi trường. Các cử tri cho rằng, tuy nước ta còn nghèo nhưng không thể vì 500 triệu USD đền bù của Formosa mà “cho qua” vụ việc này. Các cử tri đề nghị, Đảng, Nhà nước tìm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân đồng ý ký kết với tập đoàn Foromosa trong vòng 70 năm.

Đề cập đến việc đưa nhanh Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống, cử tri Vũ Đức Thuận, phường Vĩnh Phúc (Ba Đình) cho rằng, công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ là vấn đề cốt lõi có ý nghĩa quyết định. Do đó, bên cạnh việc lựa chọn cán bộ đủ tiêu chuẩn thì khâu sử dụng cán bộ phải đúng lúc, đúng chỗ mới phát huy được hiệu qủa cao. Nếu một cán bộ ở một vị trí không phát huy được vai trò thì nên sử dụng sang làm việc khác hợp lý hơn.

“Đảng, Quốc hội cần có cơ chế hay quy chế về sử dụng cán bộ ngay trong nhiệm kỳ. Những cán bộ chủ trì các cấp nếu 1/3 hoặc ½ nhiệm kỳ không tạo được sự bứt phá, phát triển trong lĩnh vực mình phụ trách thì nên điều chuyển sang vị trí khác theo hướng có lên, có xuống, có vào, có ra” – cử tri Vũ Đức Thuận đề xuất.

Các cử tri đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ một số vụ việc nóng được dư luận quan tâm vừa qua như: Vụ làm giả hơn 800 giấy chứng nhận thức ăn thủy sản và sản phẩm cải tạo môi trường thủy sản ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Vụ sai phạm ở Bộ Công Thương, việc bổ nhiệm con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, việc bác tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường… Các cử tri cho rằng, những việc này cần có người chịu trách nhiệm và phải rút kinh nghiệm để không còn những trường hợp tương tự…

Các cử tri mong muốn, Tổng Bí thư và các cơ quan chức năng chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng, chấn chỉnh công tác cán bộ, có biện pháp cụ thể, rõ ràng để giữ vững an ninh chủ quyền quốc gia, xây dựng Chính phủ liêm chính, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm, các vấn đề liên quan khách du lịch nước ngoài, vấn đề kiêm nhiệm quá nhiều các đại biểu Quốc hội...

Tiếp thu các ý kiến góp ý của các cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, các ý kiến của cử tri rất đa dạng, phong phú, nhiều chiều và cũng rất xác đáng với thực tế. Đề cập đến công tác cán bộ mà cử tri nêu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, công tác cán bộ rất quan trọng, là then chốt của mọi then chốt, là gốc của mọi vấn đề, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Đường lối, chủ trương, chính sách đúng bao nhiêu, cán bộ không không đạt tiêu chuẩn thì cũng không làm được, thậm chí làm sai lệch đi. Cũng vì thế, không phải ngẫu nhiên mà ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, việc đầu tiên là phân công, bố trí lại cán bộ, kiện toàn ngay nhân sự các cơ quan nhà nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với cử tri quận Hoàn Kiếm, Ba Đình. (Ảnh:TH)

Tổng Bí thư cho biết, trong thực tế, nếu tiếp tục duy trì bộ máy cũ, dù chỉ còn vài tháng nữa hết nhiệm kỳ thì sẽ nảy sinh tình trạng làm nhiều đồng chí lo lắng. Đồng chí mới lên thì ngồi chờ, đồng chí cũ chuẩn bị hết nhiệm kỳ rồi có khi làm đủng đỉnh thôi, chưa nói đến tranh thủ đề bạt con em, cán bộ "nhà mình" lên. Cho nên phải thực hiện đúng tinh thần Đảng đã thay đổi nhân sự Trung ương thì phải bố trí lại. Tổng Bí thư cho biết thêm, với công tác cán bộ, làm đúng quy trình nhưng phải bảo đảm tiêu chuẩn, cách làm đúng nguyên tắc. Từ Đảng, Quốc hội đến Chính phủ đều bàn bạc rất chặt chẽ.

Đề cập đến công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đây là cuộc đấu tranh vô cùng phức tạp giữa phần tốt và phần xấu trong mỗi con người, liên quan đến cả lợi ích, danh dự cá nhân. ‘Đặc biệt lợi ích bây giờ là chằng chịt lẫn nhau, chưa kể bên ngoài tác động vào để phá hoại. Chống tham nhũng rất khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước vẫn quyết tâm làm, coi đây là việc để làm trong sạch Đảng, trong sạch bộ máy” - Tổng Bí thư nói.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tuy khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, phải làm cho được. Vừa qua các cơ quan đã xử lý được nhiều vụ lớn như: Vụ Dương Chí Dũng, "bầu" Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như... và hiện nay đang tiếp tục xử lý các vụ án lớn khác, vụ Phạm Công Danh chỉ là một trong 8 vụ án trọng điểm.

"Vụ Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ, liên quan đến nhiều thứ khác và chúng ta đang quyết tâm làm. Chúng tôi đã nói nhiều lần là phải làm mạnh nhưng cần có bước đi chắc chắn, khéo léo, hiệu quả và quan trọng phải giữ cho được sự ổn định để phát triển đất nước” – Tổng Bí thư nêu rõ.

Với một số vụ được cử tri và nhân dân quan tâm như vụ Trịnh Xuân Thanh, thanh tra việc MobiFone mua AVG, Tổng Bí thư cho rằng sẽ quyết tâm làm đến cùng nhưng cần có bước đi chắc chắn, hiệu quả.

Đề cập đến những sai phạm tại Formosa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đây là sự cố rất đáng tiếc. Riêng vụ này, chúng ta đã tốn rất nhiều công sức và đây là đấu tranh chứ không phải chỉ là thương lượng. Chúng ta đấu tranh có lý, có tình dựa trên các bằng chứng, chứng cứ cụ thể, buộc lãnh đạo Formosa phải cúi đầu nhận lỗi, hứa khắc phục hậu quả, thay đổi công nghệ, hứa không tái phạm và cũng đã nhận đền bù. Nếu họ tiếp tục tái phạm, chúng ta sẽ kiến quyết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Từ đây cũng rút ra bài học đắt giá về công tác bảo vệ môi trường.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với cử tri quận Tây Hồ chiều 6/8. (Ảnh: TH)

Tổng Bí thư cũng khẳng định, kết quả xử lý với Formosa vừa qua mới chỉ là bề ngoài, tới đây sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong việc để xảy ra sai phạm của Formosa nhưng phải làm theo đúng quy trình, chặt chẽ, chứ không thể quyết định ngay lập tức.

Đề cập những ý kiến của cử tri về vấn đề bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc và những diễn biến gần đây liên quan tới biển Đông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích: Đảng ta luôn chủ trương xây dựng, bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược đi liền với nhau. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; giữ gìn yên bình để phát triển là nhiệm vụ đã được khẳng định trong nghị quyết Đại hội XII và nhiều lần đề cập trong các Đại hội trước đây. Việc xử lý các vấn đề liên quan tới đối ngoại, bảo vệ chủ quyền đất nước như vừa qua được dư luận nhân dân và thế giới hoan nghênh./.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực