Thi tìm hiểu về lịch sử Nhà tù Hỏa Lò

Thứ sáu, 06/10/2017 14:35
(ĐCSVN) - Nhân kỷ niệm 63 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2017), ngày 6/10, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp cùng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội; Phòng 9 - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an; Trung đoàn Cảnh sát cơ động - Công an Thành phố Hà Nội tổ chức chương trình “Thi tìm hiểu về lịch sử Nhà tù Hỏa Lò”.
Trung đoàn Cảnh sát cơ động - Công an Thành phố Hà Nội tham dự cuộc thi

Tham gia chương trình này, cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên của 03 đơn vị và khán giả còn có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với những nhân chứng lịch sử. Đây là dịp để thế hệ đi sau được nghe những câu chuyện chân thật, xúc động từ các nhân chứng đã từng “vào sinh ra tử”; những người đã chứng kiến thời khắc huy hoàng, hưởng trọn vẹn niềm tự hào khi Thủ đô sạch bóng quân thù.

Tại cuộc thi, các đội tham dự lần lượt trải qua 4 phần thi gồm: Chào hỏi, Giải mã hình ảnh, Ai nhanh tay hơn và Tài năng. Các phần thi hấp dẫn mở ra cho các bạn trẻ một cách tiếp cận mới về việc tìm hiểu lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, một địa chỉ đỏ trong việc giáo dục lòng yêu nước cho nhiều thế hệ người Việt Nam; điểm tham quan du lịch đặc biệt của Thủ đô Hà Nội.

Cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử Nhà tù Hỏa Lò” nhằm góp phần vào việc bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, truyền ngọn lửa yêu nước từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đây cũng là dịp để khẳng định những đóng góp lớn lao của những chiến sỹ cách mạng Hỏa Lò cho Thủ đô Hà Nội. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, di tích cách mạng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Nhà tù Hỏa Lò do thực dân Pháp xây dựng năm 1896, nơi từng giam giữ  hàng ngàn chiến sĩ yêu nước, cách mạng Việt Nam, trong đó có 5 đồng chí từng giữ cương vị Tổng Bí thư Trung ương Đảng là: Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười.

Trong nhà tù thực dân, dưới chế độ giam giữ hà khắc, đọa đày, bị kẻ thù dùng nhiều hình thức đàn áp, nhưng các chiến sĩ luôn một lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân. Họ đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, thành nơi rèn luyện ý chí, tinh thần kiên trung và lòng yêu nước. Sau khi thoát khỏi nhà tù, nhiều đồng chí tiếp tục tham gia cách mạng, trở thành những cán bộ xuất sắc. Một lực lượng cán bộ không nhỏ đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng Thủ đô. Họ đã vinh dự có mặt giữa các đoàn quân chiến thắng tiến về Hà Nội trong ngày khải hoàn 10/10/1954 như: Văn Tiến Dũng, Xuân Thủy, Vương Thừa Vũ, Trần Quốc Hoàn, Trần Danh Tuyên, Song Hào, Nguyễn Văn Trân.../.

Tin, ảnh: V.Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực