Vĩnh Phúc: Phát triển chăn nuôi trở thành ngành hàng hóa chính trong sản xuất nông nghiệp

Thứ sáu, 23/08/2019 16:15
(ĐCSVN) - Phát triển chăn nuôi trở thành ngành hàng hóa chính trong sản xuất nông nghiệp. Đưa chăn nuôi theo hướng công nghiệp, tập trung, chuyên môn hóa trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến; năng suất chất lượng cao gắn với bảo quản, chế biến với thị trường.

Ảnh minh họa (Ảnh: BT)

Đó là một trong những hướng đi của ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn 2021-2025.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2016-2020, ngành nông nghiệp tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản đã dịch chuyển theo hướng tích cực. Trong đó, tỷ trọng chăn nuôi tăng từ 48,2% năm 2015 lên 51,6% năm 2018, ước đến năm 2020 đạt 52,5%; giảm tỷ trọng trồng trọt từ 38,5% năm 2015 xuống 35,7% năm 2018, ước đến năm 2020 còn 34,8%. Cơ cấu ngành lâm nghiệp, thủy sản dịch vụ nông nghiệp cơ bản ổn định. Ngành chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, cùng với ngành trồng trọt tạo ra động lực cho tăng trưởng nông nghiệp.

Những năm qua, sản xuất trồng trọt của tỉnh chuyển dịch mạnh cơ cấu giống, cây trồng, mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện các vùng sinh thái và địa phương trong tỉnh. Đáng chú ý, đã hình thành một số vùng sản xuất rau, quả an toàn theo quy trình VietGAP đạt trên 1.600ha. Sản lượng rau an toàn và rau được cấp giấy chứng nhận ước đạt 40 nghìn tấn/năm. Các cây trồng có giá trị kinh tế cao cao được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Một số sản phẩm có thương hiệu và sản phẩm xuất khẩu như: thanh long ruột đỏ, chuối tiêu hồng,… Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả có quy mô, chất lượng cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt chăn nuôi lợn, bò sữa và gia cầm đã trở thành thế mạnh của tỉnh. Các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được áp dụng rộng rãi; nhiều giống gia súc, gia cầm có năng suất, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản xuất, tăng giá trị gia tăng.

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung lớn tại Lập Thạch, Yên Lạc; chăn nuôi gia cầm chuyên trứng, chuyên thịt tại các xã thuộc huyện Tam Dương và Tam Đảo; chăn nuôi nuôi bò sữa tại huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch,… Nhiều trang trại áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời đã xây dựng được 3 mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi – giết mổ - tiêu thụ thịt lợn.

Về thủy sản, diện tích nuôi trồng luôn ổn định trên 6.900ha, trong đó tập trung nhiều ở các huyện như: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên. Sản lượng thủy sản tăng bình quân 3,84%/năm. Trên địa bàn tỉnh đã có 7 cơ sở sản xuất cá giống và hàng trăm hộ tham gia ương dưỡng giống thủy sản để cung cấp con giống cho thị trường. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến được đưa vào sản xuất. Đưa nhanh các loại cá giống mới vào nuôi như: cá rô phi đơn tính, cá chép lai, cá chim trắng cho năng suất, chất lượng cao.

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, theo Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc, nông nghiệp địa phương vẫn còn tồn tại những khó khăn nhất định. Trong đó, có thể kể đến hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu là hộ gia đình, quy mô nhỏ, đất đai manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến việc liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi sản phẩm còn hạn chế. Nông sản có thương hiệu trên thị trường còn ít, chưa có nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều nên năng lực cạnh tranh chưa cao.

Bên cạnh đó, kinh tế hợp tác xã, trang trại đã có những mô hình mang lại hiệu quả nhưng việc mở rộng các mô hình còn gặp khó khăn; một số hợp tác xã hoạt động chưa hiệu quả. Mặc dù tỉnh đã có những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nhưng số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào nông, lâm nghiệp, thủy sản còn hạn chế.

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và quản lý giám sát an toàn thực phẩm tuy đã được tăng cường nhưng chưa toàn diện. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm cơ bản vẫn nhỏ lẻ dẫn đến việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm rất khó khăn, hạn chế về nguồn lực và đầu tư kinh phí, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Theo Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc, giai đoạn 5 năm tới 2021-2025, định hướng ngành nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Trong đó, về trồng trọt, ưu tiên phát triển các ngành hàng lợi thế, có thị trường tiêu thụ gồm: sản xuất lúa chất lượng cao, rau củ quả an toàn, cây ăn quả, cây dược liệu. Đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp theo VietGAP, nông nghiệp hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao.

Phát triển chăn nuôi trở thành ngành hàng hóa chính trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, đưa chăn nuôi theo hướng công nghiệp, tập trung, chuyên môn hóa trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến; năng suất chất lượng cao gắn với bảo quản, chế biến với thị trường, bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh và hướng tới xuất khẩu.

Tập trung phát triển chăn nuôi có lợi thế và tăng giá trị gia tăng như: lợn, gia cầm, bò sữa, bò thịt trên cơ sở quy hoạch chăn nuôi phát triển theo vùng, xã, trọng điểm gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, tạo sự chuyển dịch mạnh trong cơ cấu nông nghiệp, nông thôn.

Về thủy sản, tập trung đầu tư sản xuất giống thủy sản, nâng cao chất lượng con giống truyền thống; nghiên cứu giống đặc sản, xây dựng thương hiệu cá giống tỉnh Vĩnh Phúc. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hình thức thâm canh, công nghiệp, giảm dần diện tích nuôi quảng canh cải tiến, hình thành các vùng nuôi nuôi trồng thủy sản tập trung có quy mô diện tích lớn, áp dụng thực hành nuôi tốt. Xây dựng các mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc và nâng cao chất lượng sản phẩm./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực