Công nghiệp khởi sắc trở lại

Thứ sáu, 15/12/2023 16:12
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Với phương châm lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng trong phát triển kinh tế, tỉnh Vĩnh phúc đã chỉ đạo triển khai kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
 

Sau những tháng đầu năm tăng trưởng âm, đến hết tháng 11/2023, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh phúc khởi sắc trở lại ở cả 3 chỉ số: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,6%, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,4%, chỉ số tồn kho giảm 1,2%.

Theo khảo sát mới đây của UBND tỉnh tại hơn 90 doanh nghiệp có số thu ngân sách lớn trên địa bàn tỉnh cho thấy, trong lĩnh vực sản xuất ô tô, mặc dù Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ giảm mức thu lệ phí trước bạ, các đại lý cũng có nhiều chương trình ưu đãi, nhưng sức mua vẫn giảm.

Năm 2023, sản lượng sản xuất ô tô của tỉnh ước đạt 43,3 nghìn xe, giảm 21,3% so với năm 2022; trong đó, Toyota ước đạt hơn 24 nghìn xe, giảm 32,3%, Honda ước đạt hơn 18 nghìn xe, giảm 10,2%.

Lĩnh vực sản xuất xe máy cũng không mấy khả quan khi hai doanh nghiệp lớn là Honda và Piaggio sản lượng đều giảm so với năm 2022, trong đó, Honda ước đạt hơn 1,4 triệu xe, giảm gần 9%; và Piagio đạt hơn 190 nghìn xe, giảm 23%.

Ở chiều hướng khác, ngành công nghiệp điện tử có mức tăng trưởng khả quan với nhiều gam màu sáng. Với khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, vượt qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì ổn định quy mô sản xuất, đạt mức tăng trưởng khá so với năm 2022.

Điển hình như Công ty TNHH Compal Việt Nam tăng hơn 9%; Công ty TNHH Solum Vina tăng hơn 10%; Công ty TNHH Young Poong Electronics Vina tăng hơn 14%; Công ty TNHH Vina Union tăng hơn 26%; Công ty TNHH Jahwa Vina tăng 27%; Công ty TNHH Optrontec Vina tăng 45%; Công ty TNHH CDL Precision tăng 50%...

Trước tình hình kinh tế trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn, ngay từ đầu năm, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung bám sát các chỉ thị, nghị quyết, Công điện của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và tỉnh triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; tăng cường các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định hoạt động và phát triển sản xuất.

Trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), 11 tháng năm 2023, tỉnh đã rút ngắn tối thiểu 20% thời gian giải quyết hơn 820 TTHC có thời hạn giải quyết hơn 10 ngày làm việc; trong đó, nhiều thủ tục liên quan đến doanh nghiệp được cắt giảm thời gian giải quyết như thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục thẩm tra giấy chứng nhận đầu tư…

Hiện nay, toàn bộ kết quả giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã được số hóa; có hơn 10.000 doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số trong quản lý, điều hành; tỷ lệ giải quyết TTHC cấp tỉnh đúng và trước hạn đạt 96%.

Thông qua các cuộc đối thoại, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH&ĐT đề xuất giải pháp giảm thời gian cấp giấy phép kinh doanh, thời gian thực hiện thủ tục gia hạn hợp đồng các gói thầu, dự án cho doanh nghiệp.

Sở Tài nguyên vào Môi trường đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, giải quyết TTHC theo hình thức trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, thủ tục, giấy tờ cho doanh nghiệp; Cục Thuế tỉnh sớm hoàn thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định, giúp doanh nghiệp bổ sung nguồn thu phục vụ sản xuất.

Sở Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, phát triển thị trường, đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tỉnh, các tổ chức tín dụng tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ưu đãi theo quy định…

Với quyết tâm cao của các cấp, ngành, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đã từng bước phục hồi theo từng quý.

Cụ thể, GRDP quý I/2023 giảm 0,5% (là một trong 5 tỉnh, thành phố của cả nước có mức tăng trưởng âm), tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2023, GRDP của tỉnh vẫn đạt mức tăng 1,7%, 9 tháng đầu năm tăng 2,1% và ước năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt từ 2% - 2,5%.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đến hết tháng 11/2023, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có tín hiệu khởi sắc trở lại ở cả 3 chỉ số: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,6%, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,4%, chỉ số tồn kho giảm 1,2%.

Kết quả thu hút đầu tư đạt cao, ước năm 2023, tỉnh thu hút đầu tư đạt hơn 560 triệu USD vốn đầu tư FDI, tăng 21% so với năm 2022, vượt 40% kế hoạch; thu hút đạt hơn 20,6 nghìn tỷ đồng vốn DDI, tăng 67% so với năm 2022, gấp 4 lần so với kế hoạch năm 2023.

Dự kiến trong năm 2024, tỉnh sẽ có thêm 3 KCN đi vào hoạt động, các dự án FDI đã được tỉnh cấp phép đi vào hoạt động với tổng số vốn đăng ký hơn 5 triệu USD.

Quốc hội đã thông qua đề xuất kéo dài thời gian giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang có mức thuế suất 10% đến hết tháng 6/2024; thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, giúp doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu với giá thành hợp lý, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử…

Cùng với nỗ lực của tỉnh trong việc thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khu vực công nghiệp sẽ sớm phục hồi và phát triển mạnh mẽ, tiếp tục giữ vững vai trò là “đầu tàu” trong phát triển kinh tế của tỉnh.

  
H.S

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực