Cụ thể, các chính sách giải quyết việc làm tiếp tục được triển khai bằng nhiều văn bản, kế hoạch tập trung phát triển thị trường lao động, đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm, an toàn, vệ sinh lao động... Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 03 phiên giao dịch việc làm và phối hợp với thành phố Phúc Yên, các huyện Yên Lạc, Sông Lô tư vấn giới thiệu việc làm cho 124 lao động là bộ đội, công an xuất ngũ… 6 tháng đầu năm 2024 tỉnh đã giải quyết việc làm cho 13.700 lao động, đạt 81% kế hoạch năm 2024, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 522 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
|
Các chính sách giải quyết việc làm tại Vĩnh Phúc tiếp tục được triển khai ngày càng hiệu quả (Ảnh: PV) |
Các chính sách về giảm nghèo bền vững tiếp tục được nghiên cứu ban hành và tổ chức thực hiện, trong đó điển hình là các chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn, hỗ trợ học nghề, xuất khẩu lao động, hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông, hỗ trợ về nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế và sự quan tâm, chăm sóc, thăm hỏi, tặng quà của các tổ chức, cá nhân đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo… 6 tháng đầu năm toàn tỉnh đã hỗ trợ 4 tỷ đồng cho 440 đối tượng thuộc hộ không có khả năng thoát nghèo mới; hỗ trợ trên 2,8 tỷ đồng cho 1.277 đối tượng đủ 70 đến dưới 80 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo; trợ giúp thường xuyên cho hơn 43.707 người hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng; tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho gần 20,8 nghìn người cao tuổi và 116 trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo được trợ cấp kinh phí; tổ chức cho gần 1.200 người có công và thân nhân người có công đi điều dưỡng tập trung; hàng tháng chi trả trợ cấp ưu đãi cho 14.673 người có công; tặng quà Tết cho gần 35,5 nghìn người có công và nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tỉnh đã tặng quà cho 4.521 người có công. Công tác đền ơn đáp nghĩa trở thành phong trào đi vào nền nếp, qua đó đã có 30 căn nhà được hỗ trợ sửa chữa, xây mới, 7 nghĩa trang liệt sỹ được tu bổ tôn tạo và 80 sổ tiết kiệm được cấp cho người công.
Công tác phát triển các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế được triển khai tốt, 6 tháng đầu năm đã có thêm 29.897 người tham gia bảo hiểm. Tính đến hết tháng 6, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 44,04% lực lượng lao động, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 94,62%, tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm 36,4% lực lượng lao động. Công tác giảm nợ đọng được triển khai bằng nhiều giải pháp, ước tỷ lệ nợ đọng giảm còn 1,63 % kế hoạch giao, thấp hơn tỷ lệ chung của toàn ngành. Đã có 350 người được giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thường xuyên với số tiền 1,07 tỷ đồng; 7.747 người được hưởng trợ cấp một lần, với số tiền 408,6 tỷ đồng và 4.608 người hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền 116,9 tỷ đồng. Gần 900 nghìn lượt người được chi khám chữa bệnh, tăng 9,14% so với cùng kỳ năm 2023, số tiền chi trả gần 859 tỷ đồng tăng 17,12% so với cùng kỳ năm 2023.
|
Hướng dẫn chi trả BHXH không qua tiền mặt (Ảnh: PV) |
Các chính sách dân tộc đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm và tổ chức thực hiện tốt. Đã có 69 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được tổ chức thăm hỏi, tặng quà Tết Nguyên đán; các huyện, thành phố đã tiến hành rà soát, lựa chọn, công nhận 121 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (tăng 52 người so với năm 2023). Các cơ quan chức năng đã tổ chức 11 hội nghị tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho 1.320 người dân của 11 xã vùng dân tộc thiểu số và tiếp tục tuyên truyền rộng rãi các nội dung của Đề án trên hệ thống phát thanh truyền hình, báo chí, thông qua băng zôn, khẩu hiệu,… Công tác truyền thông về nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh được thực hiện hiệu quả. Đối tượng được cấp báo, tạp chí không thu tiền theo Quyết định số 752/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2024 được rà soát, tổng hợp. Công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ IV được triển khai tích cực, trong đó UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Đại hội, quyết định phân bổ đại biểu dự Đại hội…
Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được chú trọng. Nhìn chung, tình hình tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 ổn định, không phát sinh điểm nóng, không để phát sinh các vụ việc thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước; chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo, người đại diện, ban quản lý các cơ sở tín ngưỡng thực hiện sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định.
Quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ được thực hiện tốt, trong đó các cơ quan chức năng tiếp tục quản lý thực hiện 07 dự án nông thôn miền núi thực hiện trên địa bàn tỉnh; tuyển chọn đặt hàng 27 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh từ năm 2024; công nhận kết quả 17 nhiệm vụ khoa học công nghệ kết thúc năm 2023; thẩm định công nghệ cho 11 dự án; thẩm định, cấp giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán y tế 16 đơn vị; cấp 4 chứng chỉ nhân viên bức xạ; hướng dẫn về xác lập quyền và phát triển tài sản trí tuệ và hỗ trợ 03 hồ sơ đăng ký nhãn hiệu theo Nghị quyết 10/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các hoạt động thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...
Hoạt động ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật được thực hiện tốt. Trung tâm ứng dụng và đổi mới sáng tạo tiếp tục duy trì công nghệ nuôi cấy mô tế bào, thực hiện lưu giữ, bảo tồn giống, nguồn gen cây trồng và vi sinh vật quý phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen và duy trì xây dựng, chăm sóc các mô hình trình diễn Nho Hạ đen, Aquaponics, Táo 05, bưởi, nấm dược liệu; hoa dược liệu tại vườn thực nghiệm, nhà màng, nhà kính…
Ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn thông tin tiếp tục được quan tâm. Trên địa bàn tỉnh đang cung cấp 1.474 thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến (596 TTHC một phần; 878 TTHC toàn trình), trong 6 tháng đầu năm 2024 có 17 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và 9/9 đơn vị cấp huyện phát sinh tổng số 153.867 hồ sơ trực tuyến được nộp thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công tỉnh. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến tại các Sở, ban, ngành và UBND huyện, thành phố trung bình đạt 58,24% trên tổng số hồ sơ giải quyết. Ngoài ra, hiện có 479 thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính trong đó có 419 thủ tục tích hợp thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ ký số trên phần mềm của tỉnh là 99,7% (tỷ lệ ký số của các sở, ban, ngành là 99,8%, tỷ lệ ký số của UBND các huyện, thành phố là 99,99%, của UBND cấp xã là 99,5%. Hoạt động giám sát an toàn thông tin được thực hiện liên tục trên không gian mạng, không có sự cố mất an toàn thông tin nghiêm trọng nào xảy ra.
|
Hoạt động ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật được thực hiện tốt (Ảnh: PV) |
Công tác quản lý đất đai tiếp tục được quan tâm chú trọng. Kết quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án tính đến đầu tháng 6/2024 đạt 276,75ha, bằng 24,63% so với kế hoạch năm; thực hiện lập bản đồ, quy chủ, ban hành thông báo thu hồi đất, xác định giá đất cụ thể khoảng 700ha; Kiểm kê, lên phương án bồi thường, hỗ trợ; công khai phương án bồi thường, hỗ trợ; hoàn thiện trình thẩm định khoảng 250ha. Số hộ đã được tái định cư 52 hộ, với diện tích: 8.350m2. Tổng số quyết định cưỡng chế kiểm đếm 46 trường hợp; phải thực hiện phương án cưỡng chế kiểm đếm 09 vụ. Tổng số quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất 07 trường hợp; đã thực hiện phương án tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất 12 trường hợp theo các quyết định cưỡng chế được phê duyệt năm 2023... Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất được đẩy mạnh, qua đó đã có gần 40 nghìn giấy được cấp và 3,7 nghìn hồ sơ được đăng ký biến động, trên 21 nghìn hồ sơ giao dịch đảm bảo được thực hiện.
Quản lý nhà nước về khoáng sản được tăng cường. Các điểm mỏ đã hết hạn khai thác được tiến hành kiểm tra và thực hiện đóng cửa theo quy định. Quy chế trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản tại các khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Tuyên Quang tiếp tục được tăng cường phối hợp thực hiện. Nhiệm vụ điều tra, khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch triển khai đấu giá khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đang được cập nhật, hoàn thiện để ban hành và tổ chức thực hiện. Tất cả các hồ sơ hoạt động khoáng sản, hồ sơ phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và hồ sơ đóng cửa mỏ khoáng sản được cấp phép đang được cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát để có biện pháp xử lý, khắc phục những tồn tại, hạn chế nếu có.
Công tác truyền thông về bảo vệ môi trường tiếp tục được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng thông qua các hoạt động hưởng ứng các sự kiện môi trường như: ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Giờ trái đất, Tuần lễ nước sạch vệ sinh môi trường, ngày Môi trường thế giới... Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh đã được ban hành và đang tổ chức triển khai. Các cấp, các ngành tập trung ưu tiên nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ thực hiện Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường và các tiêu chí về môi trường trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Cơ quan chức năng đang tiến hành rà soát, đánh giá các dự án sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường…