Chú trọng xúc tiến thu hút đầu tư

Thứ sáu, 15/12/2023 14:51
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Xác định hỗ trợ doanh nghiệp (DN) là yếu tố quyết định đến hiệu quả thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, Vĩnh Phúc luôn trú trọng công tác hỗ trợ đầu tư, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, không thể thiếu trong xúc tiến đầu tư.
Vĩnh Phúc Trú trọng xúc tiến thu hút đầu tư (Ảnh: N.Y) 

Trên cơ sở quan điểm này, tỉnh nhanh chóng ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để định hướng, làm cơ sở cho hoạt động hỗ trợ đầu tư như: Đề án hỗ trợ DN vừa và nhỏ; Nghị quyết về hỗ trợ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB); hỗ trợ, hợp tác, phát triển DN, kết nối DN trong tỉnh với DN FDI; chính sách về chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số và phát triển xã hội số, kinh tế số của tỉnh; đào tạo nghề, đào tạo nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ chuyển giao công nghệ…

Đặc biệt, Đề án tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá.

Nhằm xây dựng mạng lưới hỗ trợ đầu tư toàn diện, tạo kết nối chặt chẽ giữa chính quyền với nhà đầu tư, tỉnh đã thành lập các bộ phận thực hiện hỗ trợ các nhà đầu tư như Ban Chỉ đạo phát triển DN, Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ DN, Hiệp hội DN tỉnh, Tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh, tổ COVID-19 DN; Chương trình lãnh đạo tỉnh gặp gỡ DN hằng tuần, đường dây nóng thường xuyên tiếp nhận ý kiến DN, trang thông tin xúc tiến đầu tư tỉnh; hỗ trợ DN Nhật Bản tại Vĩnh Phúc, các nhóm zalo cung cấp thông tin DN…

Trong đó, các bộ phận hỗ trợ có đủ cán bộ thông thạo các ngoại ngữ (Anh, Hàn, Nhật, Trung..) để kết nối, giải đáp thắc mắc nhà đầu tư 24/7, trong cả dịp nghỉ lễ, nghỉ Tết.

Đồng thời, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đa dạng các hình thức tiếp cận hỗ trợ DN như bằng văn bản, điện thoại, đặc biệt là sử dụng tính ưu việt của các mạng xã hội như facebook, zalo … để truyền tải thông tin và tiếp nhận các phản hồi của DN, nhà đầu tư nhiều nhất, nhanh nhất có thể.

Trong 8 tháng năm 2022, tỉnh đã tổ chức 6 cuộc khảo sát nhanh để nắm bắt những khó khăn DN trên hệ thống zalo, tổ chức các đoàn khảo sát thăm nắm tình hình hoạt động DN tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mưa lũ; 10 hội nghị tháo gỡ khó khăn cho DN về COVID-19, thiếu hụt lao động, hải quan, thuế, đăng kí kinh doanh qua mạng…

Hệ thống đường dây nóng của tỉnh tiếp nhận 80 kiến nghị của DN, chuyển cho 30 cơ quan có thẩm quyền giải quyết khó khăn vướng mắc; tư vấn, hỗ trợ cho 150 DN qua hệ thống zalo; tổ chức 25 kỳ Cà phê doanh nhân tháo gỡ khó khăn cho 65 DN, Tổ giúp việc của Chủ tịch đã tiếp nhận, hỗ trợ giải quyết gần 100 câu hỏi vướng mắc cho nhà đầu tư.

Các nội dung hỗ trợ chủ yếu có liên quan đến thủ tục đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh, các vấn đề về lao động, đất đai… Qua đó, sớm nắm bắt được tình hình DN, chủ động công tác hỗ trợ ngay cả khi DN, nhà đầu tư chưa có kiến nghị, đề xuất.

Đánh giá về môi trường đầu tư tại Vĩnh Phúc, đại diện Honda Việt Nam, một trong những DN Nhật Bản đã có hơn 26 năm hoạt động ở Việt Nam cho biết, công ty đã lựa chọn Vĩnh Phúc là nơi đặt trụ sở chính và nhà máy sản xuất quy mô hơn 70ha (với 2 nhà máy sản xuất lắp ráp xe máy, 1 nhà sản xuất lắp ráp ô tô và 1 Trung tâm Đào tạo lái xe an toàn hiện đại bậc nhất Việt Nam).

26 năm qua, Honda Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ và đồng hành từ phía chính quyền Vĩnh Phúc. Trong thời gian đầu tư tại Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, Honda Việt Nam luôn có sự đồng hành của tỉnh Vĩnh Phúc như thường xuyên trao đổi, tiếp xúc, hướng dẫn và giúp DN tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong việc thực thi các chính sách về thuế, hải quan…

Năm 2020, với sự bùng phát của đại dịch COVID-19, Honda Việt Nam cũng đối mặt với một số khó khăn như tạm dừng sản xuất, nguồn cung bị ảnh hưởng và giảm sản lượng bán hàng. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ từ lãnh đạo địa phương, chính sách giãn cách và an toàn cũng như ý thức của người dân, nên dịch đã sớm được kiểm soát, Honda Việt Nam trở lại sản xuất ổn định.

Giai đoạn 1997-2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 13,42% (có năm tăng trên 20%), đến năm 2021, GRDP của tỉnh ước đạt trên 136 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 68 lần so với năm 1997), đứng thứ 13 cả nước. Thu ngân sách tăng từ 100 tỷ đồng năm 1997 lên hơn 32 nghìn tỷ đồng năm 2021 (đứng thứ 8 toàn quốc). Lũy kế đến hết tháng 8 năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 1.268 dự án, trong đó có 442 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 7,4 tỷ USD và 826 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 119 nghìn tỷ đồng.

M.L

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực