Bước ngoặt để giảm nghèo bền vững

Thứ sáu, 27/01/2017 11:23
(ĐCSVN) – Năm 2017, nguồn lực giảm nghèo sẽ được tập trung trước hết vào thực hiện ở những nơi khó khăn nhất, nghèo nhất để giảm nghèo bền vững.


Ảnh minh họa. (Ảnh: Tuấn Ngọc)
Lần đầu tiên xây dựng được cơ sở dữ liệu hộ nghèo

Giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước. Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Hồng Lan, một trong những dấu ấn của ngành LĐ-TB&XH năm 2016 là những thành tựu trong công tác giảm nghèo. Năm qua, các giải pháp theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020; Nghị quyết số 76/2014/NQ-QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội khóa XIII về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 tiếp tục được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Bên cạnh đó, ngành đã tập trung chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng tăng phân cấp, trao quyền cho địa phương trong tổ chức thực hiện Chương trình. Đồng thời, ban hành đồng bộ hệ thống các tiêu chí về phân bổ vốn; xác định huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển, hải đảo, làm cơ sở để phân bổ, bố trí nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo; phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, tích hợp, sửa đổi và bổ sung chính sách theo phân công tại Quyết định số 2324/QĐ-TTg.

Ngành LĐ-TB&XH cũng đã triển khai thực hiện chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2016; đảm bảo phân bổ, sử dụng và quản lý kinh phí của Chương trình hiệu quả, đúng mục tiêu. Cùng với nguồn lực của Trung ương, các địa phương trong cả nước cũng đã chủ động, ưu tiên bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo hiện hành (y tế, giáo dục, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhà ở, tín dụng, trợ giúp pháp lý...).

Đặc biệt, trong năm 2016 đã hoàn thành tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020. “Đây là lần đầu tiên đã xây dựng được cơ sở dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo trên phạm vi cả nước” – Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh. Theo kết quả tổng điều tra, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cả nước là 15,14%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là 9,88% (tương ứng với hơn 2,3 triệu hộ nghèo), tỷ lệ hộ cận nghèo là  5,22% (tương ứng với hơn 1,2 triệu hộ cận nghèo). Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 64 huyện nghèo là 50,43%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 12,83%.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan thông tin, ước đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm khoảng 1,3 - 1,5% so với cuối năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm khoảng 4%, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Tuy vậy, Bộ LĐ-TB&XH cũng nhìn nhận, đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là đối tượng xã hội, hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, còn nhiều khó khăn… Nhiều tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều còn cao như: Hà Giang (43,65%), Cao Bằng (42,53%), Điện Biên (40,14%), Lào Cai (40,4%).

Tập trung nguồn lực vào những nơi khó khăn nhất, nghèo nhất

Để thực hiện giảm nghèo bền vững, Chính phủ đã giao mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 từ 1,0 - 1,5%, trong đó các huyện nghèo giảm 4%.

Để đạt được mục tiêu trên, theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, năm 2017, ngành LĐ-TB&XH xác định tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; Nghị Quyết 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 và Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo (nay là 64 huyện). Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của đối tượng thụ hưởng và sự tham gia của người nghèo.

Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát, đánh giá các chính sách giảm nghèo hiện hành để đề xuất sửa đổi, bổ sung, tích hợp, xây dựng chính sách mới hoặc bãi bỏ những cơ chế, chính sách không còn phù hợp với tình hình thực tế, nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách giảm nghèo, góp phần tạo động lực, khuyến khích để người dân tự vươn lên thoát nghèo.

Đáng chú ý, ngành xác định thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tập trung nguồn lực trước hết vào thực hiện ở những nơi khó khăn nhất, nghèo nhất để giảm nghèo bền vững; tổng kết các mô hình giảm nghèo, an sinh xã hội đã và đang thực hiện có hiệu quả ở địa phương để có cơ sở hoàn thiện và nhân rộng ra các địa phương khác; huy động các nguồn lực xã hội chung tay vì người nghèo; đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo; tổ chức các phong trào thi đua, biểu dương các tổ chức, cá nhân và các tấm gương điển hình trong công tác giảm nghèo…/.

Minh Duyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực