Đồng bằng sông Cửu Long: Tiếp tục đón đợt xâm nhập mặn gay gắt

Thứ tư, 08/04/2020 08:56
(ĐCSVN) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bắt đầu từ hôm nay (8/4), xâm nhập mặn tăng dần và đạt mức cao nhất trong khoảng từ nay đến ngày 13/4.

Một cánh đồng ở Tiền Giang khô hạn vì xâm nhập mặn 

không có nước tưới. (Ảnh: K.V)

Theo đó, độ mặn cao nhất trong đợt này ở mức tương đương thời kỳ từ ngày 10/3 đến 15/3, riêng một số trạm ở tỉnh Long An, Kiên Giang có độ mặn cao hơn độ mặn cao nhất tháng 3/2020. Chiều sâu ranh mặn 1g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây phạm vi xâm nhập mặn 110-135 km; Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại phạm vi xâm nhập mặn 65-70 km; Sông Hàm Luông phạm vi xâm nhập mặn 80-85 km; Sông Cổ Chiên phạm vi xâm nhập mặn 60-70 km; Sông Hậu: phạm vi xâm nhập mặn 50-60km; Sông Cái Lớn phạm vi xâm nhập mặn 55-63km.

Chiều sâu ranh mặn 4g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây phạm vi xâm nhập mặn 90-125 km; Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại phạm vi xâm nhập mặn 50-65 km; Sông Hàm Luông phạm vi xâm nhập mặn 70-78 km; Sông Cổ Chiên, sông Hậu phạm vi xâm nhập mặn 40-50 km; Sông Cái Lớn phạm vi xâm nhập mặn 52-60 km.

Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cấp độ 1-2. Xu thế xâm nhập mặn từ ngày 11/4 đến 15/4 duy trì ở mức cao trong 1 - 2 ngày đầu, sau giảm dần.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng ra cảnh báo, trong đợt mặn cao điểm từ ngày 8/4 đến 13/4, các địa phương hạn chế tưới nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất, đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn. Dự báo, xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần nhưng vẫn ở mức cao; xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ (Long An ), Cái Lớn (Kiên Giang), vùng bán đảo Cà Mau khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến cuối tháng 4, đầu tháng 5, sau giảm dần.

Ngoài ra, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho hay, từ đầu tháng 4 đến tháng 5/2020, dòng chảy tại các trạm thượng nguồn sông Mekong ở mức tương đương trung bình nhiều năm và thấp hơn năm 2016 từ 5% đến 20%. Từ ngày 7/4, nhiều địa phương đã thấy hiện tượng xâm nhập mặn tăng cao rất rõ, như Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng…

Tại Hậu Giang, kết quả đo mặn vào sáng ngày 7/4, độ mặn tại nhiều điểm chính của huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh đã vượt mức 18‰. Cụ thể, tại một số điểm chính trên địa bàn huyện Long Mỹ, độ mặn ở kênh Mười Thước là 18,2‰, cống Ba Cô 15,8‰, cống Hóc Pó 14,2‰; còn ở thành phố Vị Thanh, độ mặn tại kênh Lầu là 18,3‰, kênh Năm 10‰, cầu Cái Tư 5,1‰…

Ông Trần Thanh Toàn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho biết, ngành thủy lợi đã kiểm tra vận hành đóng mở cửa cống Ô Môn - Xà No ở địa bàn thành phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy để xả bùn trên cửa cống. Phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng đơn vị thi công khắc phục, sửa chữa, hút bùn, kiểm tra vận hành đóng mở cửa cống hệ thống đê bao Long Mỹ - Vị Thanh và hệ thống cống ngăn mặn Nam Xà No và Bắc Xà No. Ngoài ra, kiểm tra đơn vị thi công hút bùn, nạo vét cửa cống tiểu dự án Ô Môn - Xà No để vận hành đóng mở cửa cống để chuẩn bị ngăn mặn. Tổ chức kiểm tra hệ thống cống để chuẩn bị cho công tác ngăn mặn.

Còn tại tỉnh Bến Tre, hiện nay, nhiều người dân đã khoan cây nước tầng nông để tạm thời lấy nước lên xử lý tưới cho cây giống. Đồng thời, có trên 1.000 hộ dân sử dụng túi trữ nước để phục vụ tưới cây trong mùa hạn mặn. Theo Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, trung bình mỗi ngày vùng cây ăn quả, cây giống, hoa kiểng tại huyện Chợ Lách cần đến 800.000 m3 nước ngọt để tưới nên mặc dù dùng nhiều giải pháp nhưng nhiều nơi vẫn thiếu nước dẫn đến tình trạng cây suy kiệt, chết dần dần.

Tại Sóc Trăng, bắt đầu từ đầu mùa khô năm nay, tỉnh đã khẩn trương triển khai các giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, đảm bảo nước sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nước sinh hoạt cho người dân không để thiếu. Riêng với nước sinh hoạt của người dân nông thôn, đơn vị chức năng của tỉnh này đã triển khai đồng bộ các giải pháp cấp nước cho người dân nông thôn. Qua đó, ngành nước nông thôn của Sóc Trăng đã triển khai hàng loạt các công trình tại các địa phương nhằm không để người dân thiếu nước ngọt.

Ông Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho hay, trong năm 2020, đơn vị tiếp tục nâng cấp, mở rộng trên 719 km thuộc 176 công trình cấp nước hiện có để phục vụ cung cấp nước sạch cho trên 21.600 hộ dân hiện đang thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, với tổng nhu cầu kinh phí thực hiện trên 160 tỉ đồng, trong đó đề nghị ngân sách hỗ trợ 50%, phần còn lại do Trung tâm, các địa phương và người dân hưởng lợi đóng góp./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực