Lai Châu: Nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng

Thứ sáu, 28/04/2017 18:23
(ĐCSVN) - Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), đến nay công tác bảo vệ và phát triển rừng ở tỉnh miền núi Lai Châu đã có những chuyển biến tích cực. Việc chi trả DVMTR đã trở thành động lực giúp người dân mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế cũng như nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng theo hướng bền vững.

 Công tác chi trả DVMTR đã giúp nâng cao độ che phủ rừng ở Lai Châu. Ảnh: QĐ

Người dân mong muốn được tham gia bảo vệ rừng

Là huyện vùng cao của tỉnh Lai Châu, Mường Tè có 167.704,9 ha diện tích đất rừng; trong đó có 21.207,9 ha rừng đặc dụng, 75.917,1 ha rừng phòng hộ và 70.579,7 ha rừng sản suất. Xác định, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện có ý nghĩa to lớn trong việc giữ nguồn nư­ớc cho sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái nên những năm qua cấp uỷ, chính quyền các cấp ở Mường Tè đã rất chú trọng công tác quan trọng này.

Thời gian qua, để thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR, huyện Mường Tè đã tổ chức trên 70 hội nghị tuyên truyền cấp xã về Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Nghị định số 99/NĐ-CP, các văn bản của Trung ương, của tỉnh... với sự tham gia của hơn 1.500 lượt cán bộ, nhân dân các dân tộc trong toàn huyện. Các xã đã phối hợp tổ chức 412 cuộc họp bản trên 19.000 lượt người tham gia; xây dựng 88 biển tuyên truyền khu vực chi trả DVMTR ở các khu rừng các xã, thị trấn; phát 8.950 tờ rơi và tranh tuyên truyền bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tới các bản của các xã, thị trấn...

Cùng với đó, nhờ chính sách chi trả DVMTR, đời sống nhân dân đã được cải thiện rõ rệt, nhiều hộ đã sử dụng tiền chi trả DVMTR để tái sản xuất như mua cây giống, con giống; đầu tư chăn nuôi gia súc... Ông Giàng Nhé Chừ ở bản U Ma Tu Khoòng, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè cho biết: “Năm 2016, gia đình tôi đã nhận được trên 18 triệu đồng tiền chi trả DVMTR. Từ số tiền này, gia đình tôi đã mua sắm đồ dùng tiện nghi, trang trải cho sinh hoạt, mua thêm phân bón phục vụ sản xuất và chăm lo cho các con ăn học...”. Tính chung trong toàn huyện, công tác chi trả DVMTR đã tác động trực tiếp tới công tác bảo vệ và phát triển rừng. Các cấp, các ngành và nhân dân trong huyện đã ý thức hơn trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Công tác tuần tra bảo vệ rừng đã được các xã thực hiện có hiệu quả. Đến nay, 100% thôn, bản đã xây dựng được hương ước, quy ước bảo vệ rừng. Đồng thời, tỷ lệ che phủ rừng bình quân toàn huyện Mường Tè đã tăng từ 51,9%, năm 2011 lên hơn 63%, năm 2016.

Tìm hiểu được biết, không chỉ ở Mường Tè mà tại hầu hết các địa phương khác của tỉnh Lai Châu, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã phát huy tốt hiệu quả trong thực tiễn. Mỗi người dân đều mong muốn được tham gia vào công tác bảo vệ và phát triển rừng. Để có được điều này, hoạt động tuyên truyền, vận động đã được cấp uỷ, chính quyền các cấp thực hiện thường xuyên liên tục; nhất là các bản vùng sâu vùng xa. Việc kê khai, rà soát xác định diện tích ranh giới rừng để khoán bảo vệ cho các chủ hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng thôn bản được chú trọng với phương châm “Chính xác, đúng đối tượng, dân chủ” trên cơ sở sự bàn bạc nhất trí của đa số người dân trên các địa bàn. Việc lập danh sách, tiến hành giao khoán ngoài thực địa cho các nhóm hộ, cộng đồng thôn bản được thực hiện công khai minh bạch. Đặc biệt, số tiền chi trả DVMTR hàng năm đều được niêm yết tại bản và trụ sở UBND xã để nhân dân biết tham gia kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ ràng, chính xác. Do vậy, nhìn chung tại các thôn, bản vùng cao, người dân đã tự giác tham gia công tác tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng; phát đường băng cản lửa; kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Người dân tích cực tham gia trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc với mong muốn “có rừng để bảo vệ”.

Thêm điều kiện nâng cao đời sống người dân

Đến nay, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, chính sách chi trả DVMTR đã trực tiếp góp phần vào công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững ở Lai Châu. Theo đó, giai đoạn 2011 - 2016, hiện tượng cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại do cháy đã giảm rõ rệt; các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tình trạng đốt phá rừng làm nương rẫy dần được đẩy lùi… Qua đó, góp phần tăng độ che phủ rừng toàn tỉnh từ 41,6% (năm 2011) lên 45,4% (năm 2016). Những kết quả nói trên có ý nghĩa quan trọng trong góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; tăng cường khả năng giữ và cung cấp nước cho các nhà máy thủy điện cũng như sinh hoạt và sản xuất của nhân dân… Mặt khác, thực hiện chính sách chi trả DVMTR còn giúp nâng cao hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo; tăng thu nhập cho người dân tham gia nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng… 

Đặc biệt, phát huy vai trò nòng cốt, hàng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lai Châu đã phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, kê khai thoả thuận và tiến hành ký hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng với các nhà máy thủy điện sử dụng DVMTR có lưu vực tại tỉnh đảm bảo đúng quy định. Đến nay, tổng số hợp đồng đã ký kết là 6/6 nhà máy thủy điện trong tỉnh chính thức đi vào hoạt động, như: Nậm Lụng, Nậm Mở 3, Bản Chát, Nậm Cát, Nậm Na 2, Chu Va 12… Tính đến đầu năm 2017, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lai Châu đã thu ủy thác khoảng 712.496 triệu đồng tiền DVMTR; thu tiền trồng rừng thay thế với tổng số tiền 83.224 triệu đồng… Tỉnh Lai Châu cũng đã triển khai hỗ trợ 13 chương trình dư án chi phí quản lý nguồn DVMTR với tổng kinh phí 16.203 triệu đồng từ nguồn DVMTR. Nổi bật như chương trình hỗ trợ 13 chốt gác bảo vệ rừng; hỗ trợ 3 trạm quản lý bảo vệ rừng; hỗ trợ xây dựng vườn ươm cây nông nghiệp, lâm nghiệp, ăn quả…

Điểm nổi bật trong thực hiện chi trả DVMTR ở Lai Châu đó là không chỉ tạo điều kiện để các hộ dân làm tốt nhiệm vụ giữ rừng và hưởng lợi từ rừng; những năm gần đây, nhiều hộ gia đình trong tỉnh đã biết sử dụng có hiệu quả nguồn thu nhập từ DVMTR. Điển hình như ở bản Hoa Dì Hồ, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, nhiều hộ dân đã mạnh dạn vay vốn từ tiền quỹ mà bà con nhận từ chi trả DVMTR để đầu tư phát triển cây thảo quả hay mua trâu, bò về nuôi. Đến nay, cách làm này đã giúp cho hàng chục hộ dân xã Bản Hon có thêm điều kiện phát triển sản xuất kinh tế. Nhiều hộ đã có hàng chục con trâu, bò các loại. Vừa giúp bà con, hộ nghèo phát triển kinh tế, tiền chi trả DVMTR hàng năm còn tạo thêm nguồn lực để một số địa phương xây dựng đường bê tông nông thôn, xây nhà văn hóa… giúp nâng cao đời sống mọi mặt của người dân.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Trọng Quảng cho biết, tuy thời gian triển khai thực hiện chưa lâu nhưng hoạt động chi trả DVMTR đã và đang phát huy hiệu quả trên hầu hết các địa bàn trong tỉnh. Vừa nâng cao ý thức tự giác bảo vệ rừng, tăng nguồn thu nhập cho người dân; việc chi trả DVMTR còn tạo cơ sở để nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền, giáo dục và đưa công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đi vào hiệu quả, thực chất.

Được biết, thời gian tới, cấp uỷ, chính quyền các cấp ở Lai Châu sẽ tiếp tục tập trung nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Theo đó, các địa phương sẽ củng cố, kiện toàn Ban Quản lý rừng phòng hộ; tăng cường rà soát và hoàn thiện cơ chế vận hành chính sách chi trả DVMTR; thường xuyên kiểm tra các đơn vị quản lý rừng, diện tích rừng chi trả và trồng mới. Đồng thời, phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, các thiết chế cơ sở trong thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng đảm bảo hiệu quả thiết thực.

Thực hiện tốt phương châm “Chính xác, đúng đối tượng, dân chủ”, chính sách chi trả DVMTR sẽ thực sự là nguồn lực quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng ở tỉnh miền núi Lai Châu./.

Quang Đạo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực