Nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam

Thứ năm, 14/12/2017 22:13
(ĐCSVN) - Ngày 14/12/2017, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) do bà Keiko Inone, Quản lý chương trình về phát triển con người của WB làm Trưởng đoàn.
Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: KS)

Tại buổi tiếp, hai bên đã cùng trao đổi vấn đề nâng cao tính tự chủ trong các cơ sở dạy nghề và vai trò của Ngân hàng Thế giới trong Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp tại các trường nghề, cao đẳng, trung cấp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết, lực lượng lao động Việt Nam hiện có 51,4 triệu người. Lực lượng lao động trẻ chiếm số đông nhưng lực lượng có chuyên môn khoảng 11 triệu người (chiếm 21%). Trong vòng 5 năm qua, công tác giáo dục đại học đã tăng 10%, giáo dục nghề nghiệp tăng 5,8%. Hiện nay, thu nhập bình quân của công nhân tại các khu công nghiệp đã ngang bằng cử nhân đại học. Điều này thể hiện tầm quan trọng của công tác dạy và học nghề trong xã hội.

Tuy nhiên, các đơn vị sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp (GDNN) hiện nay đang đứng trước một số khó khăn khi đăng ký và thực hiện tự chủ. Nguyên nhân là do tính tự chủ của các trường chưa cao, các trường vẫn có xu hướng “tự chủ” cái mình có, dẫn đến bị động, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thiếu trách nhiệm trong việc đào tạo kinh nghiệm cho sinh viên dẫn đến người lao động thiếu kỹ năng làm việc. Điều này đặt ra yêu cầu tạo sự kết nối giữa các trường nghề và doanh nghiệp, việc đào tạo của các trường nghề phải gắn chặt với các doanh nghiệp, được chuẩn hóa quốc tế, khung chương trình được kiểm định chất lượng.

Thứ trưởng Lê Quân khẳng định vai trò của Ngân hàng Thế giới trong việc hỗ trợ Việt Nam nâng cao tính tự chủ của các trường nghề, thể hiện qua việc hỗ trợ kỹ thuật về đào tạo đội ngũ hiệu trưởng, giảng viên, khung năng lực cán bộ đào tạo, xây dựng giáo trình đào tạo…Bên cạnh đó, WB đã hỗ trợ thành lập các trung tâm tư nhân, đánh giá kỹ năng đào tạo; dự báo thị trường lao động, các nhu cầu tuyển dụng; ứng dụng CNTT trong việc kết nối các trường, thiết kế các chương trình trực tuyến; cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho các trường, gắn trách nhiệm tự chủ cho các cơ sở tư nhân…

Tại buổi tiếp, bà Keiko Inone cho biết, việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp tại các trường nghề, cao đẳng, trung cấp tại Việt Nam là cấp thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Thực hiện Đề án này, Ngân hàng Thế giới đã huy động nguồn lực tài chính, tiếp cận các bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc, đồng thời huy động các chuyên gia kinh tế, các nhà quản trị trong quá trình nghiên cứu, phân bổ sử dụng, hiệu quả, công bằng, nâng cao tính tự chủ các trường nghề; đảm bảo chất lượng đào tạo, phù hợp thị trường lao động. WB cam kết đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện Đề án, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp./.

Kim Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực