Người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND cấp xã là người được trên 50% cử tri có mặt tín nhiệm

Thứ sáu, 22/01/2016 12:04
(ĐCSVN) - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết ­­­­­­­­­­­­­­­­­­­ số 1134/2016/UBTVQH13 quy định chi tiết, hướng dẫn về việc tổ chức Hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử Đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong bầu cử bổ sung.

Theo đó, Nghị quyết quy định rõ: Việc tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc để lấy ý kiến đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) được tổ chức ở nơi người ứng cử công tác hoặc làm việc (nếu có). Trường hợp người ứng cử có nhiều nơi công tác hoặc nơi làm việc thì tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi người đó công tác hoặc làm việc thường xuyên. 

Nghị quyết cũng quy định cụ thể thẩm quyền chủ trì và triệu tập hội nghị cử tri nơi công tác được thực hiện.  Cụ thể, số lượng cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc để lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND ở những nơi có dưới một trăm cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm ít nhất là hai phần ba tổng số cử tri tham dự.

Nơi có từ một trăm cử tri trở lên thì có thể tổ chức hội nghị đại diện cử tri nhưng phải bảo đảm ít nhất là bảy mươi cử tri tham dự.

Ảnh minh họa. Nguồn: quochoi.vn.

Về việc lấy ý kiến của hội nghị cử tri nơi cư trú, Nghị quyết quy định: Đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) được tổ chức ở nơi người ứng cử cư trú thường xuyên tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố) không phân biệt có hộ khẩu thường trú hay tạm trú dài hạn. Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp với UBND cùng cấp triệu tập và chủ trì hội nghị. Thành phần dự hội nghị do Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để mời cử tri đến dự.

Số lượng cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nơi có dưới một trăm cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm trên 50% số cử tri tham dự. Nơi có từ một trăm cử tri trở lên thì phải bảo đảm ít nhất là năm mươi lăm cử tri tham dự.

Việc tổ chức hội nghị cử tri lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú và nơi công tác hoặc nơi làm việc (nếu có) về người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện chậm nhất là 14 ngày trước ngày bầu cử bổ sung.

Bên cạnh đó, Nghị quyết quy định cụ thể nội dung, trình tự dự kiến người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố; Hội nghị cử tri giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố. Theo đó, người được giới thiệu ứng cử là người được trên 50% cử tri có mặt tín nhiệm;

Việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử trong bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được tổ chức và thực hiện theo quy định tại Mục 2, Mục 3 Chương V của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn có liên quan. Riêng thời gian tiến hành hiệp thương, giới thiệu người ứng cử trong bầu cử bổ sung thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Nghị quyết này./.

Vy Thảo
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực
Danh sách bình luận (1)
NM
Ngô Đình Minh - 16/03/2016 10:02
quy định chung đã rõ, nhưng cần mẫu hướng dẫn và cụ thể hơn trong việc lấy ý kiến nơi cư trú đối với người đang công tác tại phường A nhưng cư trú tại phường B được phường A giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tại phường A