Canada - Thấy gì ghi nấy

Thứ hai, 28/02/2011 14:00

Canada “đất rộng, người thưa”. Mật độ phương tiện tham gia giao thông không cao; số vụ TNGT cũng không nhiều, nhưng mỗi lần đến đây tôi lại được người dân kể về những điều luật mới để duy trì trật tự ATGT.

Từ chuyện hạ tầng và giao thông công cộng...

Ngoại trừ một vài đường ở trung tâm, các tuyến quốc lộ đều nhiều làn đường nhưng chỉ có những dải phân cách mềm. Thỉnh thoảng mới thấy dải phân cách cứng bằng những thảm cây xanh. Quốc lộ ở Canada được phân biệt bằng 3 chữ số, bắt đầu từ số 400. Quốc lộ 401 còn được gọi với cái tên Mc Donald - Cartier Freeway dài 825km từ Bainsville đến Windsor với 16 làn xe. Quốc lộ 403 và quốc lộ 410 được xây dựng từ năm 1939. Quốc lộ 403 nối Tp. Toronto với Tp. Niagara với thác cùng tên rộng nhất thế giới và là đường biên giới tự nhiên với nước Mỹ.

Hiện nay dân số Canada chỉ có hơn 32 triệu người, nhưng đã có tới 22 triệu ôtô các loại. Đó là chưa kể tới hàng chục nghìn xe “vãng lai” từ các nước khác qua Mỹ để tới Canada. Mặc dù các nhà “giao thông học” đã có tầm nhìn xa nhưng vẫn không giải quyết triệt để được nạn tắc đường ở Toronto, thành phố đông dân nhất Canada với hơn 2,5 triệu người. Để khuyến khích người dân dùng phương tiện công cộng, ở Canada một số tuyến sẽ đưa khách về tận nhà sau 12h đêm. Các tuyến xe buýt đều được nối với tuyến tầu điện ngầm và khách chỉ phải trả tiền 1 lần khi từ xe buýt chuyển tiếp vào tàu điện ngầm. Hệ thống tàu điện ngầm Toronto rất đơn giản với các ga nằm dọc theo 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc, bảng chỉ dẫn có tới 6 ngôn ngữ, gồm cả tiếng Việt.

Tp. Toronto quy định tại một số đoạn đường thuộc quốc lộ 401 và 403, dành riêng “đường số 1” bên trái cho các loại xe có từ 2 người trở lên ngồi trong xe. Quan sát trong giờ cao điểm, khi những làn đường khác, dòng xe ôtô xếp hàng kéo dài tới hàng cây số nhưng xe đi trong làn đường ưu tiên này vẫn có thể chạy bon bon. Bà Phạm Thị Bích - Việt kiều ở Canada kể rằng có một thời báo chí đăng tin một thanh niên phải ra toà vì tội “lừa người thi hành công vụ”. Chẳng là anh chàng muốn đi nhanh đã nghĩ ra cách đối phó là... mua một cô manơcanh tóc vàng xinh đẹp. Khi nào thấy sắp lâm vào cảnh tắc đường, anh ta liền đặt “cô bạn”, vào ghế trước rồi thắt dây an toàn cẩn thận đàng hoàng phóng xe trên làn đường ưu tiên. “Chiêu lừa” này thành công vài lần rồi bị người dân phát hiện, báo với cảnh sát.

... đến chuyện biển báo, phổ biến luật

Dọc theo các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ là một hệ thống biển báo liên tiếp, được dựng ở những vị trí hợp lý để người tham gia giao thông với tốc độ cao vẫn nhìn thấy. Cách lối rẽ phải chừng 500m, cứ cách 100m lại có biển thông báo sắp tới đường rẽ. Các biển báo hướng dẫn xe lên cầu vượt cũng được dựng tương tự vì trên các tuyến quốc lộ tuyệt nhiên không có đường giao cắt trực tiếp mà chỉ có cầu vượt. Canada cũng quy định tốc độ cho phép trên mỗi đoạn đường. Tuy nhiên để người tham gia giao thông không bị “phạm luật” một cách vô ý, trước khi đến đoạn đường phải giảm hoặc được tăng tốc độ khoảng vài kilômét, lại có biển thông báo: “Còn 2km sẽ tới đoạn đường quy định xe chỉ được chạy với tốc độ tối đa 80km/h”. Luật giao thông ở nước bạn phạt nặng đối với những người phạm luật nhưng theo tôn chỉ “để nhắc nhở” chứ không phải để “thu tiền phạt”. Tp. Toronto chỉ có hơn 5.700 cảnh sát nhưng bù lại mạng lưới camera dày đặc nên trật tự ATGT luôn được kiểm soát. Cách đây mấy năm, tôi đã được chứng kiến CSGT yêu cầu bà Phạm Thị Bích dừng xe và thông báo bà Bích lái xe chạy quá tốc độ cho phép. Bà Bích ngẩn người. Ngay lập tức anh cảnh sát chỉ vào máy “bắn tốc độ” trong đó ghi rõ số xe và tốc độ xe chạy là 120km/h so với 100km/h theo quy định. Bà Bích phải chuyển tiền nộp phạt vào tài khoản ghi trong giấy. Nếu không “tâm phục khẩu phục”, người vi phạm có thể nộp đơn khiếu nại ra toà. 1 năm sau phiên toà sẽ được mở vì toà sẽ gộp những trường hợp bị viên cảnh sát này phạt trong 1 năm qua.

Ở Canada, người lái xe dưới 25 tuổi chiếm tới gần 34% tai nạn gây chết người có liên quan tới rượu bia. 10 năm qua, tại bang Ontario đã có 235 người lái xe từ 21 tuổi trở xuống chết do tai nạn vì rượu. Trước tình trạng này, ngày 26/7/2010, Bộ trưởng Bộ GTVT bang Ontario, bà Kathleen Wynne, đã tuyên đọc 1 luật mới, quy định khi lái xe không được uống rượu. Luật này có hiệu lực từ ngày 1/8/2010. Trước đó, ở bang Ontario, bất cứ người lái xe nào khi bị cảnh sát phát hiện, có nồng độ rượu trong máu trên mức cho phép là 0,08% mới bị phạt.

Luật vừa được ban hành, ngoài phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, trên các tuyến đường cứ cách khoảng 500m lại có một bảng hiệu điện tử màu đỏ ghi tóm tắt nội dung của luật. Nếu cảnh sát phát hiện lái xe có nồng độ rượu trong máu, sẽ bị thu hồi bằng lái trong vòng 24h và bị phạt 500 đôla Canada. Người nào vi phạm 3 lần liên tiếp sẽ bị tước bằng lái vĩnh viễn.

Trong trường hợp lái xe khởi kiện, toà sẵn sàng thụ lý vụ án và người bị kết tội sẽ chịu phạt 500 đô la và bị giữ bằng 30 ngày. Tuy nhiên đối với những người vi phạm lần đầu, cảnh sát sẽ nương tay nếu người đó đồng ý lắp đặt thiết bị khoá xe tự động dựa vào nồng độ cồn trong máu.

Ontario là bang thứ 4 áp dụng luật “không nhân nhượng” đối với thanh niên và người mới có bằng lái G1, sau Manitoba, Nova Scotia và New Brunswick cấm uống rượu khi lái xe. Tuy nhiên do Canada có tới hơn 49% người nước ngoài nên việc tuyên truyền luật cũng gặp nhiều khó khăn. Khắc phục khó khăn này ngành chức năng đã vận động người dân tham gia công tác đảm bảo ATGT. Mới đây, Tổ chức Bà mẹ chống say rượu lái xe (Mothers Against Drunk Drivers) được thành lập để cùng với lực lượng cảnh sát ngăn chặn việc thanh niên lái xe sau khi uống rượu bia.

Và chuyện sửa đường

Mùa hè là thời gian tu sửa đường ở Canada. Đường được sửa, cầu được làm nhưng không khí không bị ô nhiễm vì bụi, cũng không mấy khi đường bị tắc. Tại những công trình đang thi công, không hề có tình trạng để vật liệu ngổn ngang. Người ta trộn bê tông ở địa điểm quy định xa khu dân cư và tập kết về địa bàn thi công trên các xe thùng kín. Tôi đã mục sở thị một đội công nhân lát lại vỉa hè ở đường Iwine Road. Mỗi ngày khoảng 20m vỉa hè có chiều rộng 2m được hoàn thành. Chỉ có 5 đến 6 công nhân có mặt tại hiện trường. Cứ khoảng 8h sáng, công nhân bắt đầu làm việc. Bê tông đã được trộn sẵn và để trên thùng xe. Chỉ đến 12h trưa là công việc hoàn thành. Chiều tối lại có toán công nhân thứ 2 đến chuẩn bị mặt bằng. Khi rút quân, các toán đã thu dọn hết đất đá nên vỉa hè sạch trơn. Người qua đường chỉ phân biệt được đoạn vỉa hè mới lát lại bằng màu trắng của phiến bê tông. Người dân ở đây nói rằng khoảng 10 năm vỉa hè mới được lát lại.

Sang Canada lần này tôi thấy mấy gia đình người quen đã chuyển đến nhà mới. Canada đang tiến hành xây dựng những khu dân cư mới để “giãn dân”. Quy định đầu tiên đối với các Công ty tham gia đấu thầu là phải bảo đảm hệ thống Mor (siêu thị, nhà hàng, trường học) trước khi dân chuyển đến. Khu nào có từ 400.000 dân trở lên sẽ có hệ thống xe buýt công cộng. Vì giải quyết được hệ thống đường và phương tiện giao thông nên khoảng cách giữa nông thôn và thành thị ở Canada được rút ngắn lại./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực