Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn

Thứ tư, 11/06/2014 14:37

(ĐCSVN)Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng khẳng định Bộ đã hết sức nghiêm túc, cầu thị trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn song vẫn có những vấn đề mà ngành giao thông vận tải cần tiếp tục nỗ lực giải quyết trong thời gian tới.

 

 Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (Ảnh: vneconomy.vn)

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng vừa gửi đến Quốc hội báo cáo về việc thực hiện các Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp và việc triển khai thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải đã trình bày rõ các vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm chất vấn, kiến nghị.

Đẩy nhanh tiến độ thi công, quản lý chặt giá thành 

Về công tác đầu tư, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, báo cáo nêu rõ tính đến năm 2013, tổng số vốn huy động ngoài ngân sách đạt khoảng 117.000 tỷ đồng (riêng năm 2013 là hơn 80.000 tỷ đồng), trong đó huy động cho các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên là hơn 50.000 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2014, đã huy động được 14.786 tỷ đồng, đạt 46,2% kế hoạch năm.

Đến nay, tất cả các dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (Hà Nội - Cần Thơ) và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên bao gồm cả nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngoài ngân sách đều đã được khởi công xây dựng. Trong đó, các đoạn Hà Nội - Ninh Bình, Dốc Xây - Thanh Hóa, Nam cầu Bến Thủy - tuyến tránh Tp. Hà Tĩnh đã hoàn thành đưa vào khai thác. Năm 2014, Bộ tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác triển khai thi công để phấn đấu cơ bản hoàn thành vào năm 2015 và hoàn thành toàn tuyến vào năm 2016. Đồng thời, nhiều dự án quan trọng cũng đã được khởi công xây dựng như: đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh, cầu Long Bình - Chray Thom, dự án đầu tư nâng cấp các tuyến Quốc lộ 19, Quốc lộ 20 đoạn Bảo Lộc - Đà Lạt, Quốc lộ 91, Cảng Lạch Huyện, đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, dự án luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu, tái khởi động dự án kênh Chợ Gạo…

Cùng với đó, trong thời gian qua, Bộ GTVT cũng đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trong ngành đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành nhiều công trình, dự án đưa vào khai thác kịp thời, đáp ứng nhu cầu vận tải, đi lại của nhân dân như: toàn tuyến Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (gói thầu A1, A2, A7, A8), 20 km đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, mở rộng Nhà ga hành khách T1 - Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Nội Bài... Hiện nay, Bộ GTVT đang tiếp tục tập trung chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác các dự án lớn, quan trọng trong năm 2014 gồm: toàn tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - Nội Bài, Nhà ga hành khách T2 - CHKQT Nội Bài... và dự kiến hoàn thành một số dự án trong năm 2015 như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 20...

Về công tác quản lý chất lượng, tiến độ các dự án, công trình, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, ngay từ những tháng đầu năm 2014, Bộ GTVT đã tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp gồm: chấn chỉnh hoạt động của các chủ thể tham gia dự án; tăng cường công tác quản lý chất lượng thông qua việc nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể đồng thời với tăng cường công tác kiểm tra, kiểm định, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm; tập trung chỉ đạo các Chủ đầu tư, Ban QLDA đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đặc biệt là các công trình trọng điểm (dự kiến năm 2014 khởi công 58 công trình, dự án và hoàn thành 78 công trình, dự án).

Về công tác quản lý giá thành xây dựng, báo cáo nêu rõ, qua kiên quyết thực hiện các giải pháp để quản lý chặt chẽ giá thành tại các dự án, công trình, tiết giảm và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư, từ năm 2011-2013, đã tiết giảm kinh phí đầu tư được hơn 35.000 tỷ đồng. Quý I/2014, Bộ đã cho tiến hành đánh giá tình trạng kỹ thuật của các cầu đang khai thác với tổng cộng 131 cầu/10 dự án, kết quả là chưa phá bỏ 56/131 cầu và 03 cầu cần nghiên cứu tiếp, trong đó: chưa phá dỡ 39 cầu còn khả năng chịu lực hoặc một số hạng mục bị hư hỏng cục bộ có thể gia cố sử dụng lại với tiết giảm chi phí đầu tư ban đầu ước tính khoảng 1.530 tỷ đồng; đẩy lùi thời gian đầu tư 09 cầu từ 5-7 năm; 08 cầu điều chỉnh, bổ sung thêm các phương án so sánh trong dự án đầu tư còn thiếu. Các Chủ đầu tư, Ban QLDA đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ về tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác đấu thầu và trong 2 năm (2012-2013) đã tiết giảm được 2.033 tỷ đồng.

Quyết liệt triển khai các biện pháp bảo đảm giao thông

Trong Báo cáo, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, cùng với cả hệ thống chính trị, ngành GTVT đã triển khai thực hiện Kế hoạch hành động Năm An toàn giao thông 2013 với nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung vào các giải pháp “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”, quyết tâm kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT).

Năm 2013 là năm thứ hai liên tiếp TNGT giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương, đồng thời số người chết do TNGT dưới 10.000 người.

4 tháng đầu năm 2014, tình hình TNGT tiếp tục được kiềm chế và giảm trên cả 3 tiêu chí, cả nước xảy ra 8.638 vụ tai nạn, làm chết 3.173 người, làm bị thương 8.512 người.

Theo Bộ trưởng, nhằm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Năm An toàn giao thông 2014, Bộ GTVT đã và đang quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài để kéo giảm TNGT trên cả ba tiêu chí so với năm 2013.

Cụ thể, Bộ đã chỉ đạo tăng cường chỉ đạo siết chặt quản lý các điều kiện kinh doanh vận tải. Theo đó, Bộ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành, các Sở GTVT triển khai thực hiện các giải pháp ngắn hạn trong Kế hoạch hành động về siết chặt kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện và Kế hoạch hành động Năm An toàn giao thông của Bộ.

Tổng kết đợt kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải và ATGT tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ đạo các Sở GTVT thực hiện kết luận kiểm tra và tổ chức hậu kiểm tại một số địa phương. Kiểm tra việc thực hiện các quy định về tổ chức quản lý hoạt động của các bến xe khách.

Khai thác hiệu quả dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để xử lý vi phạm đối với chủ xe, lái xe cũng như xác định trách nhiệm liên quan của cơ quan quản lý nhà nước và người thực thi công vụ. Công bố doanh nghiệp có nhiều xe vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp dữ liệu và thông tin cho lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý ngay các xe vi phạm tốc độ cao tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT...

Bên cạnh đó, Bộ GTVT triển khai quyết liệt Kế hoạch hành động tăng cường năng lực và hiệu quả của vận tải đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa, tăng cường kết nối các phương thức vận tải để giảm áp lực cho vận tải đường bộ, từng bước tái cơ cấu thị phần và thiết lập thị trường vận tải cạnh tranh bình đẳng giữa các phương thức, kéo giảm và từng bước giải quyết tình trạng các hoạt động kinh tế - xã hội quá phụ thuộc vào vận tải đường bộ...

Tại Báo cáo, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Bộ GTVT đã hết sức nghiêm túc, cầu thị trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn; trong việc tiếp thu ý kiến chất vấn và góp ý của các vị đại biểu Quốc hội; khẩn trương thực hiện các giải pháp, nội dung đã báo cáo trong trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Song “vẫn có những vấn đề mà Ngành GTVT cần tiếp tục nỗ lực giải quyết trong thời gian tới”./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực