|
Quy hoạch đặt ra mục tiêu đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý đảm bảo an toàn, tiện lợi. Ảnh: sggp.org.vn |
(ĐCSVN) - Tại Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 8/4, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.
Việc điều chỉnh Quy hoạch nhằm mục tiêu đến năm 2020, đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý, đảm bảo an toàn, tiện lợi, kiềm chế tiến tới giảm tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường trên cơ sở tổ chức vận tải hợp lý và phát huy lợi thế của thành phố Hồ Chí Minh; từng bước phát triển vận tải công cộng khối lượng lớn, vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics. Với các chỉ tiêu cụ thể như: giao thông công cộng (xe buýt, đường sắt đô thị, taxi) chiếm thị phần từ 20% đến 25%; giao thông cá nhân (ô tô, xe máy, xe đạp) chiếm thị phần từ 72% đến 77%; các loại hình giao thông khác đảm nhận ở mức 3%.
Về kết cấu hạ tầng giao thông, cơ bản đầu tư hệ thống giao thông đường bộ chính bao gồm: Trục đường hướng tâm, đường xuyên tâm và vành đai để đảm nhận vai trò vận tải trong nội thành và phân bổ giao thông từ nội – ngoại thành; xây dựng từ 1 đến 2 tuyến đường bộ trên cao; thực hiện đầu tư xây dựng từ 2 đến 3 tuyến đường sắt đô thị để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách công cộng;…
Định hướng phát triển sau năm 2020, thỏa mãn được nhu cầu vận tải và dịch vụ vận tải của xã hội với chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá thành hợp lý và cạnh tranh, nhanh chóng, an toàn; kết nối thuận tiện giữa các phương thức vận tải, giữa thành phố Hồ Chí Minh với các đô thị vệ tinh, với cả nước và quốc tế.
Theo Quy hoạch phát triển, đối với đường bộ sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện đầu tư các trục cao tốc có năng lực thông xe lớn. Trong đó, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, chiều dài khoảng 55 km, quy mô 6 đến 8 làn xe; cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, chiều dài khoảng 69 km, quy mô 6 đến 8 làn xe; cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài, chiều dài khoảng 55 km, quy mô 4 đến 6 làn xe;…
Ngoài ra, xây dựng hệ thống đường trên cao gồm 5 tuyến, tổng chiều dài 70,7 km, quy mô 4 làn xe; cải tạo, xây dựng mới 102 nút giao thông chính khác mức tập trung trên các đường vành đai, các đường hướng tâm, các đường phố chính nội đô, ở các vị trí có điều kiện và có nhu cầu ưu tiên tổ chức thành các nút giao liên thông; cải tạo, mở rộng 34 nút giao chính đồng mức; xây dựng mới 34 cầu, 1 hầm vượt sông với quy mô các cầu, hầm cùng cấp với đường;…
Đối với đường sắt, quy hoạch các tuyến đường sắt quốc gia hướng tâm, đường đôi, điện khí hóa, khổ đường 1.435 mm; xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố, chủ yếu đi ngầm trong nội đô; xây dựng 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray;…
Về quy hoạch hệ thống cảng hàng không, cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để đạt công suất 23,5 triệu hành khách/năm và 600.000 tấn hàng hóa/năm vào năm 2015; lập dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai để có thể triển khai xây dựng sau năm 2015.
Cũng theo Quy hoạch, dự kiến quỹ đất dành cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 khoảng 22.305 ha chiếm 22,3% quỹ đất xây dựng của Thành phố, trong đó: đất dành cho giao thông đường bộ, không bao gồm giao thông tĩnh khoảng 18.015 ha; đất dành cho giao thông tĩnh khoảng 1.146 ha; đất dành cho giao thông đường sắt khoảng 1.320 ha; đất dành cho giao thông đường biển và đường thủy nội địa khoảng 1.008 ha; đất dành cho cảng hàng không khoảng 816 ha./.