Huy động công an xã tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông

Thứ năm, 25/03/2010 16:13
 

 Nghị định số 27/2010/NĐ-CP quy định việc huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với CSGTĐB tham gia tuần tra, kiểm soát TTATGTĐB trong trường hợp cần thiết được Chính phủ ban hành ngày 24/3/2010. Hiệu lực thi hành Nghị định từ 1/6/2010.

Phải có quyết định hoặc kế hoạch huy động

4 chức danh có thẩm quyền huy động các lực lượng nêu trên là Bộ trưởng Bộ Công an; Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội; Giám đốc Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Việc huy động phải thực hiện bằng Quyết định hoặc Kế hoạch huy động, trong đó nêu rõ lực lượng, số lượng cần huy động, thời gian, địa bàn huy động, trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của CSGT, CS khác và CA xã tham gia phối hợp tuần tra, kiểm soát TTATGT.

Kế hoạch tuần tra, kiểm soát do Cục CSGT đường bộ - đường sắt; Phòng CSGT CA tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Đội CSGT CA huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chủ trì xây dựng.

Được xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền

Khi phối hợp công tác, CSGTĐB sẽ chỉ đạo, điều hành việc tuần tra, kiểm soát. Lực lượng CS khác và CA xã có nhiệm vụ thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo sự chỉ đạo, điều hành của CSGTĐB và theo Kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì CSGTĐB xử phạt theo quy định.

Trường hợp lực lượng huy động này tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch mà không có CSGTĐB đi cùng thì được phép xử phạt VPHC theo thẩm quyền; trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt của mình thì phải lập biên bản vi phạm hành chính, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.

Mô hình thí điểm tại tỉnh Thanh Hóa đang được nhân lên

Thực tế TTATGT hiện vẫn diễn biến phức tạp, không chỉ ở các đô thị và trên quốc lộ, tỉnh lộ mà cả ở địa bàn nông thôn. Trong khi lực lượng CSGT lại quá mỏng, chủ yếu triển khai ở các thành phố, các trục quốc lộ. Vì vậy, để duy trì được TTATGT trong các tình huống, đặc biệt là vào dịp cao điểm thì đòi hỏi phải tăng thêm hàng vạn biên chế CSGT-yêu cầu này thực hiện thật không đơn giản.

Trước thực trạng trên, việc bổ sung các lực lượng CS khác và CA xã phối hợp tuần tra, kiểm soát TTATGTĐB trong các trường hợp cần thiết, các đợt cao điểm sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho lực lượng CSGT. Đây được coi là một giải pháp hiệu quả bảo đảm TTATGT.

Được biết, tỉnh Thanh Hoá đã triển khai thí điểm mô hình này tại 7 huyện trọng điểm từ tháng 1/2007. Kết quả, chỉ sau 6 tháng thí điểm, đã giảm được 54 vụ và 61 người chết vì tai nạn giao thông so với cùng kỳ, giảm thiệt hại hàng tỷ đồng cho người dân và Nhà nước.

5 tháng đầu năm 2008, trong khi số người chết vì tai nạn giao thông đang gia tăng ở 40 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ở Thanh Hoá số vụ tai nạn và số người chết vì tai nạn giao thông giảm 38% so với cùng kỳ năm trước. Các tỉnh Lào Cai, Nghệ An, Quảng Bình, Tiền Giang... cũng đã từng bước triển khai giao quyền cho lực lượng CA xã tham gia bảo đảm TTATGT, kết quả rất khả quan.

Thực tiễn ở các địa phương thời gian vừa qua đã cho thấy, khi chính quyền địa phương và CA xã trực tiếp tham gia vào việc bảo đảm TTATGT thì từng cộng đồng dân cư, từng người dân đều vào cuộc, trách nhiệm bảo đảm trật tự ATGT được mọi người, mọi nhà... thực hiện nghiêm túc hơn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực