|
Ảnh minh họa: Thế Dương |
Kế hoạch được xây dựng nhằm mục đích nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hoạt động thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Đồng thời, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng.
Kế hoạch hướng đến mục tiêu giảm từ 5-10% số vụ tai nạn giao thông, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2020; giảm tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; giảm tai nạn giao thông liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải. Từng bước khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm và tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo kế hoạch, để thực hiện được mục tiêu trên, các cơ quan thành viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tập trung thực hiện tốt 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm TTATGT, chống ùn tắc giao thông theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2021 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 10771/VPCP-QHĐP ngày 24/12/2020; lồng ghép mục tiêu an toàn giao thông, tránh ùn tắc giao thông trong các đề án chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố, các dự án đầu tư tạo ra nhu cầu giao thông, vận tải lớn.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân.
Thứ ba, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải, xây dựng, đất đai và du lịch có liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông; nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT.
Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo đảm an toàn giao thông và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện hữu; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.
Thứ năm, đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá để thu hút hành khách, hàng hóa sử dụng vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển và khuyến khích nhân dân đi lại bằng dịch vụ vận tải công cộng trong đô thị, vùng tỉnh và liên tỉnh.
Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT.
Thứ bảy, thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị.
Thứ tám, quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... trong các đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng.
Thứ chín, nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ cấp cứu, chữa trị và phục hồi sức khoẻ cho nạn nhân tai nạn giao thông; đẩy mạnh việc tập huấn, phổ biến kỹ năng sơ cứ tai nạn giao thông cho các lực lượng chức năng, người điều khiển phương tiện và toàn dân./.