Nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật về giao thông vận tải

Thứ sáu, 12/04/2013 16:46

(ĐCSVN)Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Đinh La Thăng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng và theo dõi tình hình thi hành pháp luật về giao thông vận tải.

 

 Ảnh minh họa. (Nguồn: TH).


Theo Chỉ thị số 04/CT-BGTVT được Bộ trưởng Đinh La Thăng ban hành ngày 11/4, năm 2012 là năm có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của Bộ với kết quả cao nhất từ trước đến nay (hoàn thành 100% kế hoạch đối với văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ) và chất lượng văn bản tiếp tục được nâng cao, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước của ngành giao thông.

Song, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng và theo dõi tình hình thi hành pháp luật về giao thông vận tải vẫn còn những hạn chế như việc lấy ý kiến góp ý của người dân, các tổ chức kinh tế-xã hội,.. đối với dự thảo văn bản QPPL còn nặng về hình thức; chưa chủ động, kịp thời và chưa có phương pháp phù hợp trong việc cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội nên còn tình trạng hiểu nhầm, hiểu không thống nhất, chưa đồng thuận với những chính sách mới trong lĩnh vực giao thông vận tải; việc tổ chức triển khai, theo dõi tình hình thi hành văn bản QPPL mới ban hành chưa được các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ quan tâm đúng mức.

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc Quy chế sử dụng phần mềm xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ (TransLegal). Theo đó, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo và nắm tình hình thực hiện của cơ quan, đơn vị mình. Đồng thời tuân thủ đúng trình tự, thủ tục xây dựng văn bản QPPL.

Đối với tất cả các dự thảo văn bản QPPL khi đăng tải trên Trang tin điện tử của Bộ để xin ý kiến, cơ quan tham mưu trình phải phân tích, nêu rõ những chính sách cơ bản, đặc biệt là những chính sách mới và những nội dung cần tập trung xin ý kiến. Ngoài dự thảo văn bản, phải đăng kèm Dự thảo Tờ trình, Báo cáo đánh giá tác động của vãn bản, các tài liệu tham khảo (nếu có).

Cùng với đó, cần đổi mới việc cung cấp thông tin về các chính sách mới trong dự thảo văn bản QPPL theo hướng bảo đảm thông tin nhanh chóng về những chính sách cơ bản của dự thảo văn bản, đặc biệt là những quy định có tác động trực tiếp đến người dân hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Chậm nhất 10 ngày kể từ ngày văn bản QPPL được ký ban hành, cơ quan chủ trì soạn thảo phải phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan trình lãnh đạo Bộ ký ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện và theo dõi thi hành văn bản; đồng thời chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.../.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực