|
Cần có chính sách hỗ trợ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đối với nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người. Ảnh minh họa: thpt-nghialo-yenbai.edu.vn |
(ĐCSVN) – Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng vừa ký, ban hành Chỉ thị số 09/CT-BGTVT ngày 8/8/2012 về tăng cường các giải pháp nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Theo đó, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các Tổng công ty 91 trong ngành giao thông vận tải có liên quan, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện nghiêm túc các quan điểm chỉ đạo, các Đề án về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của Bộ và các Đề án liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Đồng thời, xác định rõ nội dung, chương trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong từng thời gian cụ thể, phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, địa phương theo nội dung đã được nêu trong Đề án “Đổi mới, tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông giai đoạn 2012 - 2016 của Bộ Giao thông vận tải”.
Các đơn vị nói trên cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện pháp luật và các cơ chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; xây dựng cơ chế thực hiện xã hội hoá, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đối với nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người và các đối tượng thiệt thòi.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu thường xuyên quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng và có cơ chế hợp lý, động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và công tác phổ biến giáo dục pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông nói riêng với việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị và địa phương; đầu tư kinh phí hợp lý và các điều kiện cần thiết khác bảo đảm thực hiện công tác này.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải với các Bộ, ngành có liên quan; tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Phát huy, đẩy mạnh vai trò chủ động, sáng tạo của tổ chức pháp chế hoặc bộ phận thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong việc tham mưu đề xuất xây dựng chính sách, chiến lược, kế hoạch tổng thể, biện pháp tổ chức thực hiện, theo dõi đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Tiếp tục đổi mới chương trình, giáo trình giảng dạy về pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, từng bước chuẩn hoá đội ngũ giáo viên, cán bộ giảng dạy pháp luật, đáp ứng các nhu cầu dạy và học tập kiến thức pháp luật trong tất cả các trường thuộc Bộ, Cục, Tổng cục; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo pháp luật nói chung và an toàn giao thông nói riêng cho học sinh, sinh viên trong các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học thuộc Bộ với nội dung, hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Cũng theo Chỉ thị, trong những năm 2008 - 2011, đặc biệt từ cuối năm 2010 đến nay, các cơ quan, đơn vị của ngành giao thông vận tải đã có nhiều hoạt động cụ thể triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biển, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Bộ Giao thông vận tải xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng và là biện pháp hàng đầu góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, trong thực tế, điều kiện hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn khó khăn. Nguồn lực (nhân lực và vật lực) phân bổ cho hoạt động này còn hạn chế. Trong khi đó, nội dung phổ biến giáo dục pháp luật rất đa dạng, địa bàn phổ biến, đối tượng phổ biến cũng rất khác nhau... Vì vậy, công tác phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Số lượng tai nạn giao thông đã giảm trên cả 3 tiêu chí. Nhưng số vụ tai nạn vẫn cao, mức độ phức tạp và nghiêm trọng của tai nạn giao thông ngày càng tăng, đang là mối quan tâm, bức xúc của xã hội. Hiện tượng “nhờn luật” trong vi phạm pháp luật giao thông vẫn đang thường xuyên xảy ra và diễn biến phức tạp./.