Phê duyệt Chiến lược quốc gia về an toàn giao thông đường bộ

Thứ hai, 29/10/2012 11:29
 

Giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn là một trong những
 mục tiêu của Chiến lược. Ảnh minh họa: vov.vn

(ĐCSVN)Tại Quyết định số 1586/QĐ-TTg ngày 24/10, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; theo đó, giai đoạn 2012-2020 phấn đấu hằng năm giảm 5 – 10% số người chết do tai nạn giao thông đường bộ, đồng thời giảm ùn tắc giao thông tại Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn.

Quyết định nêu rõ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và hạn chế tai nạn giao thông là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội, trước hết là của các cơ quan nhà nước có chức năng và của người tham gia giao thông.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm phát triển bền vững các giải pháp và chính sách an toàn giao thông đường bộ đáp ứng các yêu cầu hiện tại và tương lai; giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đường bộ một cách bền vững, tiến tới xây dựng một xã hội có giao thông an toàn, văn minh, hiện đại, thân thiện và bền vững; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải và bảo đảm an toàn giao thông.

Giai đoạn 2012 – 2020, Chiến lược phấn đấu xỏa bỏ các điểm đen tai nạn giao thông đường bộ, xây dựng ý thức tự giác chấp hành luật của người tham gia giao thông, trước hết là của người điều khiển phương tiện giao thông; phát triển giao thông trong cộng đồng. Phấn đấu 100% các bậc học phải được giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. 85% người tham gia giao thông được phổ biến kiến thức, pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

Nâng cấp, cải tạo và tăng cường điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt ưu tiên trên các quốc lộ có tình hình tai nạn giao thông nghiêm trọng theo chương trình đánh giá an toàn giao thông đường bộ quốc tế.

Cơ bản trên hệ thống quốc lộ được xây dựng và lắp đặt đầy đủ các công trình bảo đảm an toàn giao thông như: Trạm dừng nghỉ dọc đường, cầu vượt cho người đi bộ, đường cứu nạn, cảnh báo tự động, gắc chắn tại giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, đường tránh đô thị .v.v. và đặc biệt là làn đường dành cho xe mô tô, xe gắn máy.

Phát triển hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi và trẻ em tại các đô thị loại I. Giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn: Đầu tư xây dựng phát triển vận tải công cộng khối lượng lớn như đường sắt trên cao, tàu điện ngầm; vận tải hành khách bằng xe buýt và xe buýt nhanh tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để đáp ứng 25-30% nhu cầu đi lại của nhân dân.

Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa lực lượng cảnh sát giao thông với các lực lượng khác; hoàn thiện cơ chế giám sát và chế tài xử lý đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tập trung thực hiện công tác kiểm tra, giám sát lực lượng thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Hoàn chỉnh hệ thống quản lý đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; nâng cấp hệ thống đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe đạt tiêu chuẩn khu vực và hội nhập quốc tế; nâng cấp hệ thống đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe đạt tiêu chuẩn khu vực và hội nhập quốc tế.

Phấn đấu 50% các tuyến cao tốc, quốc lộ được xây dựng đầy đủ hệ thống các trạm cấp cứu y tế, cứu hộ, cứu nạn giao thông đường bộ. Hoàn thiện các trạm cấp cứu 115.

Giai đoạn 2021 – 2030, hàng năm tiếp tục phấn đấu kiềm chế ba tiêu chí về số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông đường bộ; hệ thống quản lý an toàn giao thông đã được thiết lập một cách hiệu quả và ổn định; kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được đầu tư xây dựng hiện đại, đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu về an toàn giao thông; phát triển hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi và trẻ em tại các thành phố đạt đô thị loại II trở lên…

Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, Chiến lược xác định đầu tư cải tạo điều kiện an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: trước mắt tập trung cải tạo các đoạn tuyến quốc lộ theo các giải pháp đề xuất của chương trình đánh giá an toàn giao thông đường bộ quốc tế; cải tạo, nâng cao các điều kiện an toàn giao thông của mạng lưới giao thông nông thôn; ưu tiên xây dựng các tuyến tránh đô thị; bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn tại các khu đô thị.

Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng các tuyến đường trên cao, hướng tâm, vành đai tại các thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng các nút giao khác mức; lắp đặt các trang thiết bị bảo đảm an toàn giao thông hiện đại trên các trục quốc lộ trọng điểm và tại các đô thị lớn.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ưu tiên các nguồn lực đẩy nhanh phát triển hệ thống vận tải công cộng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, từng bước hạn chế phương tiện cá nhân; nâng cấp, cải tạo nâng cao điều kiện an toàn giao thông cho giao thông đường bộ khu vực miền núi, vùng cao; tiếp tục triển khai việc lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ và chống tái lấn chiếm; nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và đơn vị chức năng về quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ…/.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực