|
Bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Ảnh minh họa: baohungyen.vn |
(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11/1, quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nhằm quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả và tạo nguồn vốn phục vụ bảo trì và phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo Nghị định, nội dung quản lý nhà nước về tài sản hạ tầng đường bộ gồm: ban hành các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật của tài sản hạ tầng đường bộ, định mức kinh tế - kỹ thuật về bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ, chế độ bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ, chế độ quản lý, sử dụng và khai thác hạ tầng đường bộ; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan; lập danh mục, phân loại tài sản hạ tầng đường bộ theo tiêu chuẩn kỹ thuật của từng tài sản hạ tầng đường bộ để có biện pháp quản lý phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ hiện có; quản lý các nguồn tài chính phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ; kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ.
Liên quan đến việc xác lập sở hữu nhà nước đối với tài sản hạ tầng đường bộ, Bộ Tài chính quyết định xác lập sở hữu nhà nước và quyết định phương án quản lý, sử dụng, khai thác đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý được đầu tư theo hình thức Hợp đồng dự án Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (BTO), Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT), Xây dựng – Chuyển giao (BT), đối tác công - tư (PPP) khi Hợp đồng hết hạn chuyển giao cho nhà nước Việt Nam và các hình thức chuyển giao khác theo quy định của pháp luật.
UBND cấp tỉnh quyết định xác lập sở hữu nhà nước và quyết định phương án quản lý, sử dụng, khai thác đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý được đầu tư theo hình thức Hợp đồng dự án BTO, BOT, BT, PPP khi Hợp đồng hết hạn chuyển giao cho nhà nước Việt Nam và các hình thức chuyển giao khác theo quy định của pháp luật.
Tài sản hạ tầng đường bộ được điều chuyển khi có sự thay đổi về phân cấp quản lý, phân loại, điều chỉnh hoặc các trường hợp đặc biệt khác theo quy định của pháp luật.
Nghị định cũng nêu ra các hành vi bị nghiêm cấm, đó là: lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản hạ tầng đường bộ dưới mọi hình thức; cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ; sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ để kinh doanh trái pháp luật; hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản hạ tầng đường bộ; thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ; các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2013.