(ĐCSVN) - Từ ngày 2/3/2012, Nghị định số 03/2012/NĐ-CP, ngày 19/1/2012 của Chính phủ sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt.
Theo đó, đất dành cho đường sắt phải được cắm mốc chỉ giới; cụ thể, đối với đất quy hoạch dành cho đường sắt, việc cắm mốc chỉ giới do Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh nơi có quy hoạch đường sắt thực hiện.
Đối với đất dành cho đường sắt khi thực hiện nâng cấp, cải tạo từ đường sắt đang khai thác hoặc xây dựng mới từ sau ngày Luật Đường sắt có hiệu lực ngày 1/1/2006, chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện nơi có công trình đường sắt xây dựng phương án cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt, trình UBND cấp tỉnh nơi có công trình đường sắt phê duyệt.
Đối với đất dành cho đường sắt đang khai thác và có từ trước ngày Luật Đường sắt có hiệu lực ngày 1/1/2006, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện nơi có công trình đường sắt xây dựng phương án cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt trình UBND cấp tỉnh nơi có công trình đường sắt phê duyệt.
Nghị định 03/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định rõ: Tại điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ không bố trí người gác không được xây dựng công trình trong phạm vi góc cắt tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và đường sắt. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể phạm vi góc cắt tầm nhìn của từng loại điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ.
Nghị định mới ban hành cũng bổ sung một số điều liên quan đến phương tiện động lực chuyên dùng đường sắt, trong đó nêu rõ: phương tiện động lực chuyên dùng đường sắt gồm các phương tiện động lực chuyên dùng di chuyển trên đường sắt dùng để vận chuyển người và vật tư, thiết bị phục vụ công tác chuyên ngành của ngành Đường sắt; các phương tiện động lực chuyên dùng di chuyển trên đường sắt dùng để cứu viện, cứu hộ tai nạn giao thông đường sắt; để kiểm tra, thi công, bảo dưỡng, sửa chữa công trình đường sắt và phục vụ quốc phòng, an ninh./.