(ĐCSVN) – Tăng cường an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải, phấn đấu giảm 5 - 10% bình quân hàng năm về số người chết do tai nạn giao thông có nguyên nhân từ phương tiện kinh doanh vận tải, hạn chế tối đa sự cố an toàn hàng không. Đó là một trong những mục tiêu chính của Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 318/QĐ-TTg, ngày 4/3/2014.
|
Ảnh minh họa (Nguồn: duongbo.vn) |
Theo đó, Chiến lược xác định đến năm 2020 đạt được những mục tiêu cụ thể:
Tổng sản lượng vận tải toàn ngành khoảng 1.300 tỷ tấn.km (tương đương 2,2 tỷ tấn hàng hóa), 340 tỷ hành khách.km (tương đương 6,3 tỷ lượt khách) với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm sản lượng vận tải hàng hóa giai đoạn 2013 – 2020 là 9,1%, hàng khách là 10,7%.
Cùng với đó, tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính; thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh đường bộ đến năm 2020 khoảng 54,4%; đường sắt 4,3%; đường thủy nội địa 32,4%. Thị phần vận tải hành khách liên tỉnh đường bộ đến năm 2020 khoảng 93,2%; đường sắt 3,4%.
Tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng của Hà Nội đáp ứng khoảng 25% nhu cầu đi lại, trong đó đường sắt đô thị chiếm 2 – 3%; của thành phố Hồ Chí Minh đáp ứng khoảng 20% nhu cầu đi lại, trong đó đường sắt đô thị 4 – 5%.
Nâng cao tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện vận tải, hiệu quả sử dụng năng lượng; kiểm soát, phòng ngừa, hạn chế gia tăng ô nhiễm môi trường trong hoạt động vận tải; tăng cường vai trò quản lý nhà nước, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực dịch vụ vận tải...
Định hướng đến năm 2030, tiếp tục tái cơ cấu vận tải, thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh bằng đường bộ khoảng 51,2%; đường sắt 7,9%; đường thủy nội địa 30,9%, thị phần vận tải hành khách liên tỉnh đường bộ khoảng 92%; đường sắt 4,7%. An toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải được bảo đảm ngày càng cao, phấn đấu giảm tỷ lệ số người tử vong do tai nạn giao thông trên 10.000 phương tiện kinh doanh vận tải về mức bằng hoặc thấp hơn so với tỷ lệ chung của phương tiện vận tải trên cả nước...
Đồng thời, có hệ thống pháp lý hoàn chỉnh về quản lý vận tải, đảm bảo năng lực thực thi pháp luật hiệu quả, nghiêm minh; phát triển đội ngũ các doanh nghiệp vận tải có quy mô phong phú, mô hình quản trị doanh nghiệp tiên tiến, trình độ nhân lực và mức độ ứng dụng công nghệ trong quản trị doanh nghiệp cao; từng bước mở rộng đầu tư kinh doanh vận tải ra các nước trong khu vực và trên thế giới;...
Trên cơ sở những mục tiêu này, Chiến lược vạch ra 7 nhóm giải pháp, chính sách thực hiện gồm: hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và thể chế về vận tải; tái cơ cấu và điều chỉnh thứ tự ưu tiên trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; xây dựng cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ vận tải; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải; phát triển nguồn nhân lực trong quản lý và kinh doanh vận tải; tăng cường quản lý điều kiện bảo đảm an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải; tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý và kinh doanh vận tải.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm quản lý và chỉ đạo triển khai thực hiện Chiến lược; trong quá trình thực hiện cần cập nhật, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam./.