Triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Thứ tư, 05/06/2013 22:58

Ngày 5/6/2013, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 207/TB-VPCP về Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc-Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) 5 tháng đầu năm 2013 và nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm 2013.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan, các địa phương, các Ủy viên Ủy ban, thành viên Ban Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, chỉ đạo triển khai thực hiện.

Sau đây là nội dung Thông báo:

Ngày 29 tháng 5 năm 2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 5 tháng đầu năm 2013 và nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm 2013. Tham dự Hội nghị có các Ủy viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ủy viên Ban Thường trực; lãnh đạo và thành viên Ban An toàn giao thông 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia báo cáo kết quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 5 tháng đầu năm 2013 và nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm 2013; ý kiến phát biểu của các Ủy viên Ủy ban, Ban Thường trực và lãnh đạo Ban An toàn giao thông một số địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã kết luận như sau:

I. Đánh giá chung về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông trong 5 tháng đầu năm 2013

Thời gian qua, các Bộ, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực triển khai các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 1/3/2013 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4 tháng 9 năm 2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.

Trong 5 tháng đầu năm 2013 đã giảm 2.089 vụ tai nạn giao thông (-14,77%), giảm 3.047 người bị thương (-20,02%) so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, vẫn còn tăng 28 người chết do tai nạn giao thông (+0,68%) so với cùng kỳ năm 2012. Số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe tải, xe khách, xe container tăng lên. Nguyên nhân chủ yếu là do: vi phạm tốc độ quy định; vi phạm nồng độ cồn khi lái xe; vi phạm chở quá tải, quá số người quy định; người đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm theo quy định. Ùn tắc giao thông cục bộ vào các giờ cao điểm vẫn còn diễn ra ở một số tuyến phố tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Thống nhất với báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về những nguyên nhân tồn tại, bất cập trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông 5 tháng đầu năm 2013.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, biểu dương 8 địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nên đã giảm mạnh số người chết vì tai nạn giao thông trên địa bàn 5 tháng đầu năm 2013, gồm: Bắc Kạn, Đồng Nai, Tây Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Kon Tum, Bình Định, Bình Phước; biểu dương thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung chỉ đạo và có các giải pháp hiệu quả làm giảm rõ rệt tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn; Nghiêm khắc phê bình Trưởng Ban An toàn giao thông của 10 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông trên địa bàn tăng cao trong 5 tháng đầu năm 2013, gồm: Đăk Nông, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Thọ, Ninh Thuận, Thừa Thiên-Huế, Bình Thuận, Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La, Khánh Hòa.

II. Nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm 2013

Để đạt được các mục tiêu của năm 2013, yêu cầu các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp tập trung tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Chỉ thị số 18-CT/BBT ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và chống ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ. Chú trọng thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong các tháng còn lại của năm 2013 như sau:

1. Công tác xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông:

a. Bộ Giao thông vận tải: Ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 91/2009/NĐ-CP và số 93/2013/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng các thông tin từ thiết bị giám sát hành trình phục vụ cho công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.

b. Bộ Tài chính: Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, sửa đổi Thông tư số 89/2007/TT-BTC về hướng dẫn việc thu nộp tiền phạt, quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, ban hành trước ngày 15/6/2013; Sửa đổi Thông tư số 106/2004/TT-BTC về hướng dẫn sử dụng kinh phí an toàn giao thông cấp cho các cơ quan Trung ương; Đơn giản hóa thủ tục nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông theo hướng tạo thuận lợi cho người dân.

c. Bộ Công an: Sớm nghiên cứu xây dựng quy định về các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

d. Bộ Y tế: Phối hợp với Bộ Công an xây dựng Thông tư liên tịch quy định về việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.

2. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

a. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam rà soát phương án an toàn tuyệt đối cho các phương tiện máy bay, tàu thủy, đường sắt.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đặc biệt là đối với các cơ sở kinh doanh vận tải các tuyến liên tỉnh. Kiên quyết xử lý nghiêm và thu hồi Giấy phép kinh doanh đối với những cơ sở kinh doanh vận tải bằng xe ô tô không đủ tiêu chuẩn và để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.

- Chỉ đạo đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống trạm kiểm tra tải trọng xe, trước mắt tập trung trên các tuyến quốc lộ trọng điểm.

- Sớm triển khai thực hiện Đề án "Đổi mới công tác vận tải đường bộ theo hướng hiện đại nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ".

- Triển khai thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa". Bảo đảm 100% Trạm kiểm định xe cơ giới sử dụng hệ thống camera giám sát hoạt động kiểm định; xử lý nghiêm các đăng kiểm viên sai phạm, tiêu cực.

- Chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương hoàn thành việc rà soát các điểm đen dễ gây tai nạn giao thông để triển khai lắp giải phân cách cứng tại các đoạn đường quốc lộ đủ điều kiện; rà soát tổng thể và có biện pháp điều chỉnh, lắp đặt biển báo hiệu đường bộ theo đúng quy định và thuận lợi cho người tham gia giao thông.

b. Bộ Công an:

- Chỉ đạo công an địa phương và các đơn vị trực thuộc:

Huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ tăng cường kiểm tra phát hiện vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tập trung xử lý các lỗi vi phạm tốc độ, lấn đường, vi phạm nồng độ cồn, chở quá tải và số người quy định, xử lý nghiêm theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Trọng điểm là các tuyến quốc lộ 1, 5, 14, 18, đặc biệt tại các khu vực miền Trung từ Nghệ An - Quảng Trị, Phú Yên - Bình Thuận, tăng cường kiểm tra trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ sáng.

Tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy; phương tiện chở quá tải, không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật, không đăng ký, không đăng kiểm, không trang bị hoặc thiếu dụng cụ cứu sinh; thuyền viên và người lái không có bằng lái hoặc chứng chỉ chuyên môn, vi phạm quy tắc giao thông; trọng tâm kiểm tra phương tiện chở khách ngang sông, tàu chở khách du lịch; xử phạt nghiêm theo Nghị định số 60/2011/NĐ-CP của Chính phủ.

Xử lý nghiêm đối với trường hợp cán bộ công chức vi phạm trật tự an toàn giao thông, các trường hợp can thiệp vào việc xử lý vi phạm.

- Phối hợp với bộ Giao thông, vận tải chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung xử lý tình trạng xe chở quá khổ, quá tải, trọng điểm là các tuyến quốc lộ: 1, 3, 5, 70, 20, 14, 4A... 

- Tổ chức, phối hợp với các lực lượng chuyên ngành mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát vào kỳ thi tuyển sinh đại học cao đẳng năm 2013, dịp Quốc khánh 2/9 và các đợt cao điểm cuối năm 2013.

c. Các địa phương:

- Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác phối hợp, chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình hành động của Chính phủ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông.

- Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông.

- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục có các giải pháp hiệu quả nhằm chống ùn tắc giao thông trong các giờ cao điểm.

- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo lập lại trật tự tại các bến xe khách; rà soát, xử lý nghiêm nạn xe taxi dù lừa đảo hành khách, tăng cường quản lý hoạt động và nâng cao chất lượng phục vụ của xe taxi trên địa bàn.

3. Nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

a. Bộ Thông tin và Truyền thông:

Tiếp tục tăng cường chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trật tự an toàn giao thông đến tận thôn, bản, tổ dân phố.

b. Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam:

Tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả các chuyên mục, chương trình, nội dung về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thường xuyên phát sóng các thông điệp về an toàn giao thông.

c. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia:

- Sơ kết, tổng kết và xây dựng Chương trình phối hợp hoạt động với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp.

- Tổ chức phát động thực hiện chiến dịch "Kiểm soát tốc độ" từ ngày 7/7/2013 đến ngày 30/9/2013; Chiến dịch "Phòng, chống rượu, bia đối với người điểu khiển phương tiện giao thông" từ tháng 10 đến hết năm 2013.

- Tổ chức đánh giá năng lực của Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo bộ tiêu chí đánh giá.

- Tổ chức đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư tại các địa phương còn để xảy ra tai nạn giao thông tăng cao trong 5 tháng đầu năm.

d. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm vận động hội viên, đoàn viên tự giác chấp hành pháp luật giao thông khi tham gia giao thông; tổ chức thực hiện phong trào "Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông" tới mọi gia đình, khu dân cư; tiếp tục hưởng ứng và thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 8/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực