(ĐCSVN) – Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 197/TB-VPCP ngày 12/5/2014, truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về phương án tài chính Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
|
Đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm thông tuyến đoạn Hải Phòng vào cuối năm 2014. Ảnh minh họa: giaothongvantai.com.vn |
Thông báo nêu rõ, dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, trước hết cho các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đến nay, tiến độ thực hiện các gói thầu chính đã đạt gần 60%, công tác giải phóng mặt bằng đã thực hiện 99,98%. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Chủ đầu tư Dự án là Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm thông tuyến đoạn Hải Phòng vào cuối năm 2014, hoàn thành toàn bộ Dự án vào năm 2015.
Căn cứ quy định hiện hành về đầu tư BOT, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, thẩm định tổng mức đầu tư của Dự án, cuối tháng 5/2014 báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định với các cơ chế tài chính, chính sách hỗ trợ cần thiết cho Dự án. Một số nội dung cụ thể như sau:
Về vốn chủ sở hữu của VIDIFI là 3.200 tỷ đồng, giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam và VIDIFI tiếp tục tìm kiếm đối tác hoặc tăng vốn của Chủ sở hữu. VIDIFI cũng được tiếp tục thu phí quốc lộ 5 theo cơ chế quy định tại Quyết định số 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ; mức thu phí thực hiện theo quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Ngoài ra, khoản vay 200 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc và 100 triệu USD từ Ngân hàng tái thiết Đức (KFW) được tái cơ cấu sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp vào Dự án. Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan sẽ thực hiện các thủ tục chuyển đổi cơ chế tài chính đối với 2 khoản vay này theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Thông báo cũng nêu rõ, Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư của Dự án.
Liên quan đến Khu đô thị Gia Lâm: cho phép VIDIFI được lựa chọn đối tác để thành lập doanh nghiệp thực hiện đầu tư xây dựng Dự án Khu đô thị Gia Lâm như đề nghị của VIDIFI. Tiền sử dụng đất Khu đô thi Gia Lâm phải nộp ngân sách để làm nguồn thu hồi vốn đường cao tốc theo như kiến nghị của UBND thành phố Hà Nội. Lợi nhuận của doanh nghiệp đầu tư dự án này được sử dụng theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp. Về tỷ lệ đất xây dựng nhà ở xã hội, chủ đầu tư được sử dụng toàn bộ diện tích khu đất để triển khai thực hiện Dự án theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;...