|
Lực lượng cảnh sát giao thông xử lý vi phạm (Ảnh: Vietnam+) |
Nhằm siết chặt các “lỗi” vi phạm giao thông đối với người điều khiển phương tiện, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 34/2010/NĐ-CP (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ) trong đó áp dụng nâng mức phạt đối với hành vi chở quá số người cho phép, điều khiển xe khi nồng độ cồn vượt quá quy định, chạy quá tốc độ; tổ chức, cổ vũ đua xe trái phép...
Nghị định này chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày hôm nay (10/11).
“Siết” lái xe uống rượu bia, chạy quá tốc độ
Nghị định mới quy định rõ, người vi phạm giao thông chạy xe quá tốc độ sẽ bị phạt gấp 1,5 đến 2 lần so với quy định của Luật cũ.
Cụ thể, người điều khiển xe ôtô chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/h đến dưới 10 km/h sẽ phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng (thay cho mức phạt hiện nay 300.000 - 500.000 đồng)
Trường hợp điều khiển xe ôtô chạy quá tốc độ quy định từ 10-20 km/h sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng (mức phạt hiện nay là từ 800.000 – 1,2 triệu đồng). Phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng (hiện nay 4 - 6 triệu đồng) đối với người điều khiển xe ôtô chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h, ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 60 ngày.
Đối với người điều khiển xe máy chạy quá tốc độ quy định từ 10 -20 km/h (hiện nay trên 20km/h) sẽ bị phạt tiền từ 500.000 – 1 triệu đồng. Trường hợp người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng (mức hiện nay là 500.000 – 1 triệu đồng).
Ngoài ra, Nghị định mới cũng tăng mức phạt đối với người điều khiển xe khi nồng độ cồn vượt quá quy định.
Cụ thể, người điều khiển xe ôtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/1 lít khí thở thì sẽ bị phạt tiền từ 8-10 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với mức phạt hiện nay từ 2-3 triệu đồng. Hành vi này đối với người điều khiển xe máy thì bị phạt từ 500.000 – 1 triệu đồng (mức phạt hiện nay từ 200.000 - 400.000 đồng).
Trường hợp người điều khiển xe ôtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng (mức phạt hiện nay từ 4-6 triệu đồng). Còn đối với người điều khiển xe máy, hành vi vi phạm này bị phạt từ 2 - 3 triệu đồng, thay cho mức phạt hiện nay là từ 500.000-1 triệu đồng.
Một điểm đáng lưu ý trong Nghị định 71 là với người vi phạm không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn, đối với người điều khiển xe máy thì cũng phạt tiền từ 2-3 triệu đồng. Đây sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho lực lượng Cảnh sát giao thông trong kiểm tra, xử lý vi phạm.
Đua xe, cổ vũ trái phép phạt tới 30 triệu đồng
Ngoài các vi phạm lỗi thông thường, Nghị định 71 cũng quy định rõ, đối với việc đua xe máy, xe ôtô trái phép, cổ vũ việc đua xe trái phép, mức phạt sẽ được áp dụng thấp nhất từ 1 đến 30 triệu đồng tùy từng mức vi phạm và hành vi vi phạm.
Nếu thêm hành vi chống đối người thi hành công vụ, mức phạt có thể tăng nặng tới 40 triệu đồng, đồng thời sẽ tịch thu xe (trừ xe bị chiếm đoạt), tước Giấp phép lái xe không thời hạn.
Đối với xe máy, Nghị định sửa đổi cũng quy định rõ sẽ áp dụng mức phạt từ 2 đến 3 triệu đồng đối với ngươi vi phạm các hành vi như sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; điều khiển xe chạy quá tốc độ trên 20km; gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường; không tham gia cấp cứu người bị nạn…
Riêng đối với hành vi bỏ cả hai tay khi điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh; lạng lách đánh võng… sẽ bị áp dụng mức phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, tùy theo mức độ vi phạm và tái diễn, người vi phạm có thể bị áp dụng mức phạt cao nhất là tước Giấy phép lái xe và tịch thu xe…
Trước đây, Nghị định 34/2010/NĐ-CP không quy định cụ thể việc lái xe bị tạm giữ giấy tờ Giấy phép lái xe, Giấy đăng ký xe... do vi phạm giao thông có được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong thời gian chờ nộp phạt hay không. Chính điều này dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quy định xử phạt, gây khó cho cả lực lượng chức năng lẫn người tham gia giao thông.
Theo quy định mới, khi bị tạm giữ giấy tờ xe, người vi phạm luật giao thông sẽ bị xử phạt về việc chạy xe không có giấy tờ nếu quá hẹn không đi nộp phạt.
Cụ thể, tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 71 quy định: “Khi bị tạm giữ giấy tờ theo quy định, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ.”
Bên cạnh đó, Nghị định mới cũng quy định, những trường hợp không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện hoặc làm thủ tục đăng ký mới sẽ bị xử phạt theo Nghị định 71 với mức phạt từ 6-10 triệu đồng/xe đối với ôtô, riêng xe máy xử phạt 1 triệu đồng./.