Thứ tư, 27/07/2016 15:00 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Trong những năm qua, hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung và hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng đã được quan tâm đầu tư, đã đưa vào khai thác 746 km đường cao tốc và hoàn thành các dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên... góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; so với các nước trong khu vực còn nhiều hạn chế, là rào cản lớn trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Để tạo nền tảng xây dựng đất nước sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập, đòi hỏi trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 cần đẩy mạnh phát triển hệ thống đường bộ cao tốc, trong đó tập trung cơ bản hoàn thành tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông.
Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, để đạt được mục tiêu nêu trên, đồng ý sự cần thiết và quan điểm "không thể trì hoãn" việc thực hiện; cần khẩn trương xây dựng phương án đầu tư và dành nguồn lực ngân sách thỏa đáng, đồng thời tạo cơ chế thích hợp để thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó vốn tham gia của nhà nước tối đa 40% tổng mức đầu tư dự án cùng với việc huy động các doanh nghiệp trong nước cần khuyến khích, ưu tiên sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án phát triển đường cao tốc quốc gia, trong đó tập trung tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/8/2016.
Phó Thủ tướng lưu ý, việc xây dựng Đề án tập trung làm rõ sự cần thiết đầu tư hệ thống đường cao tốc quốc gia nói chung và tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông nói riêng; đánh giá những việc làm được và chưa làm được, những khó khăn, vướng mắc trong việc thu xếp nguồn vốn đầu tư và triển khai các dự án hạ tầng giao thông.
Mục tiêu và các giải pháp cần thực hiện, trong đó làm rõ cơ chế huy động nguồn lực; cân đối nhu cầu vốn đầu tư và cơ cấu các nguồn vốn; khả năng thu xếp vốn (trái phiếu Chính phủ; ODA và vốn vay ưu đãi; vốn chủ sở hữu, vốn vay của nhà đầu tư trong và ngoài nước); cơ chế tham gia vốn của nhà nước và cơ chế quản lý, kiểm soát chất lượng của toàn dự án (nếu tách phần hỗ trợ của nhà nước thành hợp phần riêng); tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư; các cơ chế, chính sách cần thiết để thu hút nhà đầu tư và tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tính toán mức phí và thời gian thu phí của từng dự án.
Các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính giao một bộ phận thường trực để xử lý các vấn đề liên quan đến Đề án nêu trên, kịp thời báo cáo Bộ trưởng các Bộ xem xét, giải quyết./.
Vy Thảo