Cách ứng xử với nguồn nước của người Chăm H’Roi

Thứ tư, 10/08/2022 17:10
(ĐCSVN) – Sinh sống trên vùng đất nhiều nắng gió, khô hạn, người Chăm H’Roi, tỉnh Bình Định có nhiều nghi lễ dân gian liên quan tới nguồn nước, trong đó lễ cầu mưa là một hoạt động phản ánh đậm nét đời sống, tín ngưỡng nông nghiệp và những ước mơ của người Chăm H’Roi.

Điều kiện địa lý khí hậu nắng nóng, khắc nghiệt, nghề trồng lúa nước phụ thuộc vào các hiện tượng tự nhiên và là điểm xuất phát các tín ngưỡng nông nghiệp với hệ thống nghi lễ dày đặc. Đó là các nghi lễ cầu mưa, lễ khai mương đắp đập, lễ tế thủy thần và các nghi thức cúng tế các vị thần tự nhiên khác.

Nước xuất hiện trong nhiều nghi lễ của người Chăm với ý nghĩa mang tới sự sống ấm no, hạnh phúc, tẩy trần hay sự thanh tịnh. Các vị chức sắc trước khi làm một nghi lễ nào đó cũng phải làm lễ tẩy thể bằng nước sạch. Trong lễ “Rija Swa” tôn chức Mu Rija bắt buộc phải có lễ thức tắm tẩy cho bà bóng. Trong lễ Ka tê, các chức sắc làm lễ tắm tượng Mukhalinga cho các vị vua - thần như Po Klongirai, Po Rame, Po Inư Nưgar. Những người dự lễ hứng lấy nước tắm tượng chảy ra để bôi lên đầu, lên mặt, lên cổ để cầu sự may mắn.

Với người Chăm H’Roi, tỉnh Bình Định từ xa xưa đã hình thành cách ứng xử thân thiện với thiên nhiên, tôn thờ những gì liên quan tới các vị thần, đến các hiện tượng tự nhiên. Thái độ ứng xử với môi trường nước thể hiện trong nhiều nghi lễ của người Chăm để cầu đến thế lực tâm linh, thể hiện qua các nghi thức vừa tạ, vừa cầu cho mưa thuận, gió hòa để canh tác lúa nước đạt kết quả cao.

Hiện nay, người Chăm H’Roi tại thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh (Bình Định) vẫn giữ lễ hội cầu mưa đậm bản sắc. Khi trời hạn hán kéo dài, nắng nóng, không có nước để tưới lúa, tưới cây, đồng bào sẽ làm lễ cầu mưa.

  Lễ hội cầu mưa của đồng bào Chăm H’Roi gọi là Quai Yang Plâyq achan, một nghi lễ quan trọng thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng.
 Lễ hội cầu mưa thường tổ chức vào ngày 16 – 20/2 (Âm lịch) hàng năm. Đồng bào có thể làm lễ riêng ở trên rẫy của mình theo từng hộ gia đình; hoặc cả làng làm chung một lễ; dân làng cùng nhau chuẩn bị và đóng góp lễ vật để cúng.
 Để tiến hành các nghi thức cúng trong lễ, người Chăm H’Roi sẽ chọn một già làng làm chủ lễ, ông là người am hiểu luật tục, có uy tín với cộng đồng, tượng trưng người của Yàng (còn gọi là Oi quai) cử xuống nghe lời khấn nguyện và nhận lễ vật của dân làng.
 Thầy cúng do dân làng chọn ra từ các già làng, thường từ 3 – 5 người (hay 7 – 9 người), lễ vật cũng theo số lẻ vì người Chăm H’Roi quan niệm đồ lễ là số lẻ, thần cho một phần nữa là đủ.
 Theo già làng Lê Văn Ru, huyện Vân Canh, tùy vào điều kiện của mỗi làng hay tình hình hạn hán kéo dài mà lễ vật cúng trâu hoặc heo; nhưng đài tế bắt buộc phải có một đôi gà trống, hai ché rượu, một vòng sáp ong, một chén gạo và trầu cau;… để dâng lên các vị thần ban sức khoẻ (PoTang PôYa), thần mưa (PôNai), thần thuỷ lợi (PôYang).
 Oi quai đứng trên đài lễ thực hiện nghi thức cúng Yàng.
 Sau phần đọc lời cúng Yàng, Oi quai tung gạo, phun mưa ra khắp 4 hướng, thể hiện như trời đã đồng ý ban cho người Chăm H’roi mưa xuống, cây lúa tươi tốt, mùa màng bội thu.
 Chủ lễ mời rượu chúc may cho những người tham dự buổi Lễ.
 Bắt nguồn từ những phong tục cổ cho đến nay lễ cầu mưa vẫn là hoạt động có tính cộng đồng cao, một sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của đồng bào Chăm H’roi.
 Nét đặc sắc trong lễ cầu mưa đó là sự tổng hoà của nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Những người phụ nữ Chăm H’Roi sẽ cầm những bó nan vuốt vào không khí tạo âm thanh của gió, đàn ông gõ trống k’toang nổi cồng chiêng lên tạo lên âm thanh của sấm chớp.
 Thông qua âm thanh, nhịp điệu, tiết tấu những điệu múa trống đôi, họ có thể trao gửi tâm tư, tình cảm, khát vọng và kết nối cộng đồng, quá khứ, hiện tại, tương lai.
 Các thiếu nữ Chăm múa xoang trong phần Hội với mong ước Giàng và các vị thần sẽ che chở; mang lại cho dân làng những cơn mưa, những điều may mắn, tốt đẹp.
 Lễ cầu mưa của đồng bào Chăm H’Roi là hình thức nghi lễ nhưng cũng là dịp để đồng bào Chăm H’Roi mọi nơi tìm về hội tụ, giao lưu và trao truyền văn hoá, các kinh nghiệm trong đời sống tín ngưỡng cũng như cuộc sống hàng ngày.

 

N.Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực