Chảy mãi mạch nguồn văn hóa đất Thăng Long
Chủ nhật, 13/11/2016 20:25 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Những ngày diễn ra Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội 2016, công chúng đã được thưởng lãm nhiều giá trị đặc sắc của nghệ thuật ca trù như: Hát cửa đình, hát thi, hát nói… Các tài năng ca trù trẻ đã góp phần cho mạch nguồn văn hóa đất Thăng Long chảy mãi không bao giờ cạn.
Năm 2009, Ca trù được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, điều đó đã khẳng định giá trị nghệ thuật quý báu của cha ông để lại, cùng ý nghĩa của công tác bảo tồn. Từ năm 2012, Hà Nội đã tổ chức Liên hoan định kỳ 2 năm một lần. Kỳ liên hoan thứ 3 năm 2016, Ban tổ chức chú trọng phát hiện, phát huy các tài năng trẻ và thúc đẩy truyền dạy - thực hành ca trù, quảng bá rộng rãi tới công chúng, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá của nghệ thuật Ca trù.
Từ 11-13/11, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội 2016 diễn ra với 71 tiết mục, có 62 thí sinh dự tiết mục tập thể, 35 thí sinh dự thi đào nương và kép đàn tài năng đến từ 10 Câu lạc bộ ca trù và nhóm hát ca trù thuộc 10 quận, huyện của Hà Nội.
Các thí sinh dự Liên hoan có độ tuổi từ 6 -30, thí sinh lớn tuổi nhất là 29 tuổi, thí sinh nhỏ tuổi nhất là 7 tuổi.
Loại hình âm nhạc truyền thống của Việt Nam đầu thế kỷ XVI được thể hiện với sự phối hợp tuyệt vời giữa ca từ, giọng hát cùng các nhạc khí: phách, đàn đáy, trống chầu…
Ca nương Nguyễn Thục Trinh, 7 tuổi thể hiện tài năng với tiết mục “Đào hồng, đào tuyết”.
“Múa bài bông” của CLB ca trù Thái Hà, bài múa cổ có nguồn gốc từ thời nhà Hồ, được trích đoạn từ nguồn tư liệu dòng họ Nguyễn ấp Thái Hà, đất Hà thành.
Ca nương Đặng Thu Thủy (CLB ca trù Thái Hà) biểu diễn tiết mục “Tỳ bà hành”.
Các đào nương có kỹ thuật thanh nhạc tốt, khi hát không cần há to miệng, ém hơi trong cổ, mà lời ca vẫn rõ ràng, tròn vành rõ chữ làm cho tiếng hát thêm duyên, có khi lại lời ca nức nở như tiếng khóc, thở than quyện vào lòng người…
Nghệ thuật ca trù của Việt Nam thể hiện sự quyến rũ, thanh tao, mang đặc trưng riêng biệt tạo nên sự độc nhất vô nhị không có ở bất kỳ loại hình nghệ thuật nào.
Các đào nương - Những người chuyền tải và thể hiện những cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của ca trù, giúp nghệ thuật ca trù tồn tại đến ngày nay.
Thành phần Ban giám khảo của Liên hoan có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành, có nhiều năm nghiên cứu về nghệ thuật ca trù.
Những ca nương giành giải xuất sắc tại Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội 2016.
Những ca nương giành giải A tại Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội 2016.
Qua 3 ngày Liên hoan, Ban Tổ chức đã làm việc nhiệt tình, trách nhiệm, trao 02 giải Tài năng xuất sắc cho các tác giả: Nguyễn Thu Thảo - Giáo phường ca trù Thái Hà, Đinh Thị Vân - CLB ca trù Lỗ Khê; 04 giải A cho các tác giả: Đoàn Linh Hương (CLB ca trù Thăng Long), Nguyễn An Khánh và Hoàng Anh Thái Phương (Giáo phường Thái Hà), Vũ Thị Thùy Linh (nhóm ca trù Phú Thị); 04 giải B thuộc về các tác giả: Nguyễn Phương Trà My (tự do), Đặng Thị Hường và Nguyễn Huệ Phương (CLB ca trù Thăng Long), Nguyễn Thục Trinh (CLB ca trù Lỗ Khê); giải khuyến khích cho các tập thể gồm: Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, các CLB ca trù Thượng Mỗ, Ngãi Cầu, Lỗ Khê, Đồng Trữ, Thăng Long, Unesco Hà Nội. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng trao giải Tài năng trẻ tuổi nhất cho ca nương Nguyễn Thục Trinh (CLB ca trù Lỗ Khê); 02 giải A tập thể cho tiết mục Múa hát Bỏ bộ cho CLB ca trù Thăng Long và CLB ca trù Chanh Thôn./. |
Thế Dương