Chiêm ngưỡng độc bình làng gốm Bát Tràng

Thứ sáu, 24/08/2018 11:14
(ĐCSVN) – Những dòng gốm cổ có một không hai tưởng chừng đã thất truyền, đang được các nghệ nhân sưu tập, lưu giữ giúp công chúng có những góc nhìn đa chiều về lịch sử, văn hoá, nghệ thuật chế tác gốm lâu đời của làng Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội).

Lịch sử về sự hình thành làng gốm Bát Tràng được sách Đại Việt sử ký toàn thư và Dư địa chí của Nguyễn Trãi ghi lại, làng gốm Bát Tràng được hình thành từ thời Lý. Khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, 5 dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên (nay thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) là Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm đã quyết định đưa các nghệ nhân làm gốm và gia đình dời làng di cư về kinh thành Thăng Long tìm đất lập nghiệp.

Theo thời gian, các nghệ nhân làm gốm đã đưa tên tuổi, thương hiệu gốm Bát Tràng nổi danh khắp trong và ngoài nước. Gốm Bát Tràng có mặt trong mọi lĩnh vực của cuộc sống như làm đồ cống phẩm, đồ thờ cúng, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày.... Gốm Bát Tràng phát triển cực thịnh vào khoảng thế kỉ XV – XVII. Sản phẩm gốm Bát Tràng đã theo các thuyền buôn Trung Quốc và các nước Phương Tây đến với Nhật Bản cũng như nhiều nước ở Đông Nam Á và Nam Á.

Gốm Bát Tràng nổi tiếng đẹp nhờ có cốt gốm dày dặn và đặc biệt là màu men thanh nhã, giản dị nhưng tinh tế, quyến rũ lạ thường. Theo các nghệ nhân làng gốm, gốm Bát Tràng có 5 dòng men đặc trưng là men lam, men nâu, men trắng ngà, men xanh rêu và men rạn. Thời xưa, nguyên liệu tạo men gốm chủ yếu được lấy từ tự nhiên như đá đỏ, vôi sống, tro trấu, cao lanh… Cách pha chế men gốm được xem như một phương thức bí truyền của từng dòng họ. Vì vậy, trải qua thời gian và năm tháng, các phương thức ấy có nguy cơ mai một. Thật mừng khi những tinh hoa đó vẫn được lưu giữ, minh chứng cho nghệ thuật chế tác gốm đặc sắc của làng nghề Bát Tràng.

Một trong số các dòng men nổi tiếng góp phần làm nên thương hiệu gốm Bát Tràng mà các nghệ nhân của làng cổ Bát Tràng xưa tạo ra chính là dòng men xanh lam.


Men rạn - một loại men độc đáo tạo ra do sự chênh lệch về độ co giữa xương gốm và men gốm. Sự độc đáo của dòng men này được thể hiện rõ qua các tài liệu, thư tịch nghiên cứu về gốm men cổ ở Việt Nam, xác nhận sản phẩm gốm men rạn chỉ được sản xuất tại lò gốm Bát Tràng từ khoảng cuối thế kỉ XVI và kéo dài tới đầu thế kỉ XX chứ không xuất hiện tại bất kỳ làng nghề làm gốm nào khác trong và ngoài nước.


Men rạn trắng kết hợp đắp nổi hoạ tiết trên bình cổ Bát Tràng.


Bình cổ Bát Tràng men ngà.


Độc bình men nâu.


Dòng men rạn ngả nâu.


Đầu rồng giả cổ men xanh ngọc chế tác theo phong cách cổ.

Ngày nay, ở Bát Tràng, nghệ nhân gốm Trần Độ, thế hệ thứ 18 dòng họ Trần, một trong những dòng họ làm gốm lâu đời của làng nghề, đã kế thừa tinh hoa, nghiên cứu được nhiều kỹ thuật pha chế các dòng men quý theo lối cổ. Được biết, hiện ông đang nắm giữ khoảng 70 phương thức pha chế các loại men gốm thuộc 5 dòng men cổ của Bát Tràng và phục chế thành công hàng trăm sản phẩm gốm cổ từ thời Lý, thời Trần, thời Lê.

Ông còn phục chế thành công các dòng men chảy, men rạn, với các màu trắng nâu, xanh ngọc để thể hiện trên đồ gia dụng, đồ thờ cúng, tượng cổ… nhiều hiện vật gốm Bát Tràng ông phục chế được lưu giữ trang trọng tại đền Hùng (Phú Thọ), đền Cổ Loa (Hà Nội), đền Đô (Bắc Ninh), Khu di tích vua Lê và Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu (Hà Nội).

Góp phần giữ lửa tinh hoa dòng gốm cổ Bát Tràng còn có các nghệ nhân tiêu biểu khác như: Nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn, chuyên sâu về lĩnh vực phục chế gốm cổ như: bình gốm men rạn truyền thống, đắp hoa văn nổi, đắp phù điêu theo các tích cổ…; nghệ nhân Tô Thanh Sơn chuyên phục chế men lam thời Nguyễn, pha chế thành công men rạn thời hiện đại; nghệ nhân Nguyễn Văn Hưng nổi tiếng với tài năng vẽ, ông cũng là con của nghệ nhân Nguyễn Văn Cổn, một trong số ít các nghệ nhân của làng gốm Bát Tràng xưa.

Dòng gốm quý của làng Bát Tràng hôm nay không chỉ lấp lánh vẻ đẹp trầm ấm, giản dị, độc đáo của các dòng men cổ mà còn mang những sắc màu men mới tươi vui, sống động và quyến rũ khách bốn phương./.

N. Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực