Cổ kính Lam Kinh

Thứ tư, 21/07/2021 19:44
(ĐCSVN) – Theo quốc lộ 47 về thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, tỉnh Thanh Hoá - cái nôi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy thế kỷ XV, nơi phát tích dòng họ Đế vương có công bình Ngô giữ nước, được xem là kinh đô thứ hai của nước Đại Việt lưu giữ nhiều giá trị lịch sử - văn hoá thiêng liêng.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, cách thành phố Thanh Hóa 50 km về phía Tây Bắc. Lam Kinh là đất tổ nhà Lê, nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi và là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV.

Sau 10 năm (1418-1428) khởi nghĩa và trường kỳ kháng chiến, Lê Lợi đã tổ chức và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đi tới toàn thắng, quét sạch quân xâm lược nhà Minh ra khỏi bờ cõi, khôi phục nền độc lập chủ quyền của dân tộc và Quốc gia Đại Việt. Năm 1430, sau khi lên ngôi Hoàng đế Lê Thái Tổ cho đổi vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh hay Tây Kinh để phân biệt với Đông Kinh (Thăng Long), lấy niên hiệu là Thuận Thiên, mở ra một thời kỳ độc lập tự chủ, thịnh trị cho đất nước kéo dài gần 360 năm (1428 - 1788). Ông được xem là người trung hưng đất nước lần thứ hai.

Để bày tỏ lòng tôn kính với đất Tổ và tổ tiên, nhà Lê cho xây dựng một quần thể, lăng tẩm cung điện… quy mô khoảng 30 ha, còn gọi là Lam kinh hay Tây kinh - kinh thành lớn thứ hai của nước Đại Việt. Theo tài liệu, Thành điện Lam Kinh có thiết kế kiến trúc, phía Bắc dựa vào núi Dầu, mặt Nam nhìn ra sông Chu, bên trái là rừng Phú Lâm, bên phải là núi Hương và núi Hàm Rồng chắn phía Tây. Khu hoàng thành, cung điện và thái miếu ở Lam Kinh được bố trí theo trục Nam - Bắc, xây dựng trên đồi gò, có hình chữ Vương. Bốn mặt xây thành có chiều dài 314m, ngang 254m, tường thành phía Bắc dày 1m, hình cánh cung bán kính 164m.

Với ý nghĩa giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hoá, tâm linh với lòng thành kính tôn vinh các vua triều Hậu Lê đã có công lao to lớn với đất nước. Năm 1962, di tích lịch sử Lam Kinh được xếp hạng cấp quốc gia, đến 1994 được Chính phủ phê duyệt dự án trùng tu tôn tạo. Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh là Di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1419/QĐ-TTg).

Từ đó đến nay Lam Kinh đã tôn tạo được nhiều hạng mục công trình, góp phần giữ gìn những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của Việt Nam, nơi đây cũng là điểm tham quan đặc biệt của du khách trong và ngoài nước.

 Khu di tích sử hiện hữu với những dấu tích lịch sử, văn hoá đặc sắc.
 Một góc thành điện Lam Kinh uy nghiêm, cổ kính.

 Khu di tích Lam Kinh lưu giữ nét đẹp của không gian văn hoá Việt với

“cây đa, giếng nước, sân đình”.

 Sân Rồng, Chính điện những công trình mang vẻ trầm mặc, uy nghi của điện cổ, thành xưa.
 Khu Chính điện gồm 3 tòa điện lớn, xây theo kiểu kiến trúc hình chữ công, gồm toà Quang Đức, Sùng Hiếu, Diên Khánh. 6 tòa Thái Miếu được bố trí theo hình cánh cung bao bọc chính điện Lam Kinh. 
  Rồng đá cổ chính điện Lam Kinh.
 Lăng mộ vua Lê Thái Tổ (còn gọi là Vĩnh Lăng) là nơi an nghỉ ngàn thu của vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi, 1385-1433) có bố cục và phong cách gần gũi, tự nhiên luôn toát lên vẻ tôn nghiêm, trang nhã, hòa hợp với thiên nhiên.
 Vị trí lăng được xây sau cung điện Lam Kinh, trên một vùng đất rộng, cao ráo giống như hình mai rùa, phía trước có núi Chúa, phía sau có núi Dầu, hai bên đều có núi, đối diện có sông.
 Khung cảnh thiên nhiên đa dạng tại Di tích Lam Kinh.
 Khu di tích lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử văn hoá cao khác, trong đó có bia Vĩnh Lăng.
 Bia Vĩnh lăng tạc từ một khối đá xanh lớn, đặt trên lưng rùa. Nội dung văn bia giới thiệu về thân thế, sự nghiệp, công trạng của vua Lê Thái Tổ, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, cùng với câu chuyện Lê Lợi trả gươm cho rùa thần ở hồ Hoàn Kiếm.
 Bia Vĩnh lăng được xem là tấm bia “độc nhất vô nhị”, không chỉ mang tính giáo dục truyền thống cho hậu thế, mà còn là tài liệu quý khi nghiên cứu về nghệ thuật trang trí, điêu khắc thời hậu Lê.
 Với mỗi người có dịp về Lam Kinh, được sống trong không gian lịch sử, tưởng nhớ đến thời kỳ dựng nước và giữ nước của cha ông, để rồi đọng lại trong tâm khảm mỗi người con đất Việt niềm tự hào, tự tôn dân tộc.

 

 

 

N.Quyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực