Điệu xòe Tây Bắc

Thứ sáu, 29/09/2017 15:34
(ĐCSVN) - Xòe là một vũ điệu dân gian xa xưa, được biểu diễn trong các dịp lập bản, dựng mường hay các lễ hội của người Thái. Ngày nay, múa xòe đã trở thành vũ điệu mang tính biểu tượng của tình đoàn kết các dân tộc vùng Tây Bắc.

Theo các tư liệu lịch sử, cách đây khoảng 10 thế kỷ, vũ điệu dân dã này thường được tổ chức trong các sự kiện quan trọng của người Thái. Ngày nay, múa xòe đã phát triển thành 36 điệu và trở thành “tài sản văn hóa” chung của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc.

Múa xòe gồm nhiều điệu thức như: xòe khăn, xòe quạt, xòe nón, xòe sạp... Các điệu múa đều thể hiện tinh thần bình đẳng, không phân biệt trai gái, già trẻ, vòng xòe càng nhiều người tham gia càng thể hiện sự đậm đà, ấm cúng.

Theo nhà nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian Đỗ Thị Tấc, tỉnh Lai Châu, trong các hội xòe thì xòe chiêng vào mùa xuân là lễ hội lớn nhất của cộng đồng người Thái ở Tây Bắc nói chung và ở Mường Than nói riêng. Người Thái tổ chức xòe chiêng để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và bản làng yên vui. Lễ hội xòe chiêng nổi tiếng đến mức được ví như “tiệc xòe”, bởi những buổi xòe chiêng bao giờ cũng có rất nhiều điệu xòe hấp dẫn, giống như một bữa tiệc có nhiều món ngon vật lạ.

 

Vào dịp đầu năm hay thời điểm diễn ra các lễ hội truyền thống dân tộc Thái Tây Bắc, du khách có dịp trải nghiệm những điệu xòe - điệu múa dân gian chứa đựng ước mơ, khát vọng và niềm tự hào của người Thái.


Ở Tây Bắc hiện có 4 vùng người Thái cư trú tập trung đó là Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Yên Bái), Mường Than (Lai Châu) và Mường Tấc (Sơn La). Đây cũng là những vùng có các đội xòe nổi tiếng nhất của vùng Tây Bắc.


Trước khi tổ chức hội xòe người dân bản làng dựng cây nêu, một nghi thức hình tượng ví như chiếc thang bắc lên trời và dâng lễ vật mời thần linh, tổ tiên về chung vui hội.


Trong những điệu xòe nhạc cụ sử dụng gồm: trống, chiêng, những thanh tre, thanh la và đặc biệt là đàn tính tẩu. Cây đàn có chức năng bắt nhịp, giữ nhịp cho các điệu xòe, điệu múa và còn là thanh âm mời gọi người dân các bản làng và du khách về dự hội xòe.


Theo các nghệ nhân, xòe Thái có 6 điệu cổ: “Khắm khăn mơi lẩu”; “Phá xí”; “Nhôm khăn”; Đổn hôn”; Khắm khen”; Ỏm lọm tốp mư”. Đây là các điệu xòe khởi nguồn của các điệu xòe khác, bởi nó thể hiện đầy đủ nghệ thuật dân vũ của người Thái. Trong đó điệu xòe cơ bản nhất là “Khắm khăn mơi lẩu” biểu đạt văn hóa ứng xử, giao tiếp của người Thái.


Cùng với chiếc khăn Piêu, những cô gái Thái thể hiện điệu xòe cổ “Nhôm khăn” trong niềm vui vô bờ bến khi bản làng có chuyện mừng như đám cưới, mừng nhà mới hay mùa màng bội thu.


Điệu xòe ‘Đổn hôn” tượng trưng cho niềm tin và tình người sắt son bền chặt của người Thái.


Điệu “Khắm khen” biểu hiện sự gắn kết cộng đồng, khi có niềm vui thì cùng nhau nhảy múa và khi gặp

khó khăn hoạn nạn cũng vẫn nắm chặt tay nhau cùng chung sức vượt qua.

Điệu xòe “Ỏm lọm tốp mư” được người Thái múa trong các dịp lễ hội, dịp vui, thể hiện sự quyến luyến chia tay nhau

khi kết thúc mỗi cuộc vui.



Ngày nay xòe Thái phát triển với nhiều hình thức mới và phong phú…


Nghệ thuật xoè Thái -  Biểu tượng của tình đoàn kết, trong những ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc

Nguyễn Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực