Hào khí Mê Linh

Thứ ba, 05/03/2024 08:35
(ĐCSVN) - Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền thờ Hai Bà Trưng tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội là nơi hội tụ hào khí oanh liệt của dân tộc, nơi tri ân công lao vĩ đại của Anh hùng dân tộc Trưng Trắc, Trưng Nhị cùng các tướng lĩnh trong công cuộc đánh đuổi ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi, giành độc lập cho dân tộc.

Những ngày mùa xuân Giáp Thìn 2024, nhân dịp kỷ niệm 1984 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, hàng ngàn du khách thập phương từ mọi miền đất nước về chiêm bái, thắp nén tâm nhang tưởng nhớ hai vị Vua Bà đã có công đánh đuổi ngoại xâm, xây dựng nền độc lập, hoà bình của dân tộc. Từ cổng chính ngôi đền, dạo bước trên con đường thênh thang rộng mở dẫn vào cổng tam quan ngoại, lần lượt thăm quan các ngôi đền trong quần thể khu di tích, mỗi người dân Việt Nam cảm nhận được hào khí Mê Linh thuở xưa như vang vọng nơi đây. Tiếng chân ngựa, tiếng voi gầm, cờ xí rợp trời và tiếng vang lừng đồng thanh, hiệu triệu của muôn dân, tướng sĩ với khí thế oai hùng như được tái hiện, âm vang qua hình ảnh, văn bia, tượng thờ, những dòng tư liệu và sắc màu cổ kính của ngôi đền.

Các công trình di tích trong quần thể như đền thờ Hai Bà Trưng, đền thờ thân phụ, thân mẫu, thầy giáo của Hai Bà, đền thờ thân phụ, thân mẫu Thi Sách và ông Thi Sách, đền thờ các nữ tướng, nam tướng, nghi môn, hàng voi đá, văn bia, nhà trưng bày… sẽ mang đến cho mỗi người những trải nghiệm ý nghĩa về giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc, ngời lên sức mạnh, hào khí oanh liệt của dân tộc. Nơi đây là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, khắc ghi và tôn vinh vẻ đẹp, phẩm chất “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam.

Cổng tam quan với hình tượng Hai Bà Trưng cưỡi voi xung trận gợi lên hào khí Mê Linh vang vọng
 Qua cổng tam quan môn ngoại, du khách sẽ bước vào trải nghiệm không gian quần thể di tích đền Hai Bà Trưng. 
 Hòn đá thề ở chính giữa sân, nơi ghi tạc lời thề của hai vị Vua Bà. 
 Sắc màu cổ kính từ nét kiến trúc độc đáo và tài hoa được gợi lên qua những công trình trong quần thể di tích. 
Đền thờ Hai Bà Trưng cổ kính, toạ lạc dưới hai cây muỗm cổ thụ, toả bóng xanh mát.  
 Không gian thờ tự trong đền thờ hai vị Vua Bà trang trọng, thể hiện lòng thành kính của muôn dân đất Việt. 
 Cung cấm, nơi có tượng thờ Hai Bà Trưng với khuôn mặt hiền hoà, phúc hậu, bình dị, ngời lên vẻ uy nghiêm, sức mạnh và sự quyết tâm. 
 Bên tả, bên hữu cung cấm là cung thờ lục bộ nữ tướng quân, vốn là những nữ tướng tài ba, anh dũng của hai Vua Bà. 
 Ngoài đền thờ Hai Bà Trưng, trong quần thể di tích còn có các ngôi đền thờ thân phụ, thân mẫu, thầy giáo của Hai Bà Trưng và thân phụ, thân mẫu của ông Thi Sách và thờ ông Thi Sách - Chồng của Bà Trưng Trắc. 
 Không gian thờ bài vị các tướng lĩnh của Hai Bà Trưng. 
...Và không gian trưng bày các tư liệu có giá trị như sắc phong qua các triều vua, đồ thờ, trống đồng... 
 Hồ mắt voi được thiết kế trong khuôn viên di tích với làn nước trong xanh, rợp bóng mát. 

Tin và ảnh: Nguyễn Thế Lượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực