Nghệ thuật Hát Xoan, tỉnh Phú Thọ gồm ba chặng hát: Chặng hát nghi lễ (hát cửa đình) với các bài: Giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám với những lời cầu nguyện, cầu chúc, cầu mong các bậc Vua, Thần linh, Thành hoàng phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, bình an, no đủ, hạnh phúc, tạo không khí linh thiêng, tôn kính khi vào cuộc Hát Xoan.
Chặng hát trình diễn gồm 14 quả cách: Kiều Giang Cách; Nhàn Ngâm Cách; Tràng Mai Cách; Ngư Tiều Canh Mục Cách; Đối rẫy Cách; Xuân Thời Cách; Hồi Liên Cách; Hạ Thời Cách; Thu thời Cách; Đông thời Cách; Tứ Mùa Cách; Thuyền Chèo Cách; Tứ Dân Cách; Chơi Dâu Cách. Các quả cách mô tả đời sống, sinh hoạt con người; ca ngợi cảnh vật thiên nhiên qua một năm canh tác của nhà nông, hoặc kể các truyện cổ tích.
Chặng hát hội, mang tính chất trữ tình, giao duyên với hình thức đối đáp thể hiện sự đối đáp linh hoạt, đua tài, thi ứng phó nhanh. Hát hội có Hát ghẹo - giao duyên, xin hoa đố chữ; hát đúm và hát giã (mó) cá là tiết mục kết thúc quá trình diễn xướng của hát Xoan, có tiết tấu khỏe khoắn, sôi động, thể hiện tín ngưỡng phồn thực. Đây cũng là phần hát sinh động và hấp dẫn nhất trong cuộc Hát Xoan nói chung.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, tỉnh Phú Thọ hiện còn bảo tồn được 31 bài Xoan cổ ở 4 phường Xoan gốc thuộc thành phố Việt Trì. Các bài xoan cổ gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa, nơi phát tích của Hát Xoan và các ngôi đình cổ nơi diễn xướng Hát Xoan như: Miếu Lãi Lèn, Đình Thét, Đình An Thái, Đình Hùng Lô… Trong không gian đình cổ kính, những ca từ, điệu múa, nhịp phách của các đào - kép hòa quyện như chạm vào tâm thức thành kính nhất của mỗi người khi cảm nhận mỗi canh hát Xoan cổ.
Theo truyền thống, một canh Hát Xoan phải trình diễn theo ba chặng hát: Chặng hát nghi lễ theo tín ngưỡng dân gian; phần trình diễn các quả cách và phần hát hội.
Phần hát nghi lễ, đứng đầu phường Xoan là ông trùm. Kép nam thường hát dẫn (lĩnh xướng), múa, đệm trống con, trống cái; đào nữ thường đóng vai trò hát phỏng (hát nhắc lại), hát đối đáp hay múa...
Hát Xoan thực hành tín ngưỡng thờ cúng, các đào kép khi trình diễn sử dụng đạo cụ và nhạc cụ đơn giản chỉ với một chiếc trống da nhỏ cùng đôi, ba cặp phách bằng tre đực già.
.
Hát Xoan có phạm vi không gian diễn xướng rộng lớn, mang tính cộng đồng cao.
Âm nhạc trong Hát Xoan: Hát Xoan được cấu thành chủ yếu từ những thang 3 âm, 4 âm (quãng 3 hoặc quãng 4). Giai điệu Xoan mộc mạc, tiết tấu đơn giản, cách hát gần gũi với giọng nói.
Ở các phường Xoan, các đào nữ được lựa chọn, đào tạo ngay từ khi còn trẻ để có thể kế thừa di sản văn hóa của các bậc tiền nhân.
Hát tiều ngư canh mục - còn gọi là mó cá, điệu múa hát mang ước vọng sinh sôi.
Hát múa mời rượu - đào Xoan dâng chén rượu chúc các bô lão trường thọ.
Hát đối giao duyên nam nữ giữa đào xoan và trai làng.
Hát Xoan là hình thức âm nhạc dân gian truyền thống, kết hợp văn hóa, lịch sử và nghệ thuật, sự độc đáo ở lời ca, giai điệu và làn điệu được cộng đồng gìn giữ qua nhiều thế kỷ.
Trong lịch sử, người dân Phú Thọ tổ chức hát Xoan để tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.